"Các phương án làm phố đi bộ mới của Hà Nội được thiết kế dựa trên điều kiện tương tự hồ Gươm, với điển hình là các tuyến phố bao quanh mặt nước. Nhưng bài học của phố Trịnh Công Sơn cho thấy việc này là chưa đủ", KTS Trần Huy Ánh nhận định về kế hoạch có 8 tuyến phố đi bộ của Hà Nội.
Thành phố đã và đang vận hành 3 tuyến phố gồm: Phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây và phố đi bộ Trịnh Công Sơn.
Ngoại trừ phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây cách xa nội thành và phục vụ cho nhóm người dân ở các tỉnh, thành phố khác lân cận, hai tuyến phố còn lại có sự chênh lệch quá lớn về nhu cầu tham gia của người dân.
Tăng giá trị dịch vụ liên quan
Trao đổi với Zing, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho rằng sự thất bại của phố đi bộ Trịnh Công Sơn không gây bất ngờ.
Theo đó, chuyên gia nhìn nhận tuyến phố này không tận dụng được không gian mặt nước xung quanh mà để hàng quán bày bán như một hội chợ ngổn ngang, thiếu điểm nhấn văn hóa.
Việc biến một tuyến phố trở thành mô hình hội chợ đôi khi phá hủy sức hấp dẫn tự nhiên.
KTS Trần Huy Ánh
"Việc biến một tuyến phố trở thành mô hình hội chợ đôi khi phá hủy sức hấp dẫn tự nhiên của nó. Ngay cả trong công viên cũng vậy, người dân sẽ từ chối tham gia nếu nhìn thấy các gian hàng hội chợ ở đó", ông Ánh nêu quan điểm.
Về cơ chế chung, chuyên gia nhận định việc chỉ quan tâm đến mục đích kinh tế khi thành lập một tuyến phố đi bộ sẽ khiến mô hình này thất bại.
Trong khi về bản chất, mục tiêu khi địa phương "tạo ra" phố đi bộ không phải để kinh doanh mà là nâng cao chất lượng đô thị và trả lại cho người dân phần không gian hàng ngày bị xe cộ chen chúc.
Có góc nhìn khác, KTS Trần Ngọc Chính, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Việt Nam, nêu quan điểm không phải cứ chặn xe cộ đi lại là có thể làm phố đi bộ.
Theo ông Chính, mô hình này chỉ có thể phát huy ở những tuyến phố có nét đặc trưng về văn hóa, đậm bản sắc địa phương hoặc có các công trình kiến trúc đặc trưng nhằm quảng bá, phát huy giá trị tinh thần.
Nếu không có yếu tố trên, tuyến phố phải nằm ở vị trí trung tâm hoặc dễ tiếp cận để kinh doanh dịch vụ, thương mại. Ở yếu tố này, vị chuyên gia lưu ý mô hình quản lý kinh doanh cũng cần được xây dựng bài bản để tránh tình trạng lộn xộn, lấn chiếm không gian.
Không nhìn nhận phố đi bộ chỉ đơn thuần mang mục tiêu kết nối không gian, vị chuyên gia cho rằng mô hình này xuất phát từ nhu cầu đảm bảo hài hòa giữa giá trị cộng đồng và lợi ích thương mại trong đời sống thị dân.
"Địa phương không đặt mục tiêu kinh doanh, kiếm tiền trực tiếp từ việc vận hành phố đi bộ mà trên thực tế, mô hình này giúp tăng giá trị của các dịch vụ du lịch, thương mại khác", theo KTS Trần Ngọc Chính.
Hạ hàng rào công viên là chưa đủ
Nhìn vào sự thành công của phố đi bộ hồ Gươm, KTS Trần Huy Ánh nhận thấy mặc dù có nhiều yếu tố thuận lợi về vị trí tự nhiên, khu vực này có nguy cơ mất dần bản sắc khi để tồn tại các loại hình kinh doanh tràn lan như xe điện, hội chợ, các sự kiện thương mại dày đặc, hàng rong...
Vì vậy, vị kiến trúc sư cho rằng Hà Nội cần có cơ chế quản lý cụ thể cho các tuyến phố đi bộ cả cũ và mới.
Hạ hàng rào công viên rất dễ, chỉ cần phá bỏ là xong. Quan trọng là quản lý thế nào để người dân vui chơi an toàn.
KTS Trần Huy Ánh
Trong đó, thành phố cần làm rõ mục tiêu của mỗi đề án, nhằm đưa ra kế hoạch phát triển và vận hành mỗi tuyến phố để tạo nên mô hình đặc trưng, sinh động chứ không là những bản sao đơn điệu.
Từ bài học trên, ông Ánh cảnh báo các tuyến phố đi bộ mới của Hà Nội tiềm tàng nguy cơ đi lại "vết xe đổ" của phố Trịnh Công Sơn.
Chuyên gia nhắc đến phố Trần Nhân Tông quanh hồ Thiền Quang và tuyến phố Đảo Ngọc - Ngũ Xã là hai dự án phố đi bộ sắp được vận hành và cho rằng các khu vực này đang tồn tại những điểm yếu.
Cụ thể, mặc dù có cùng điểm chung với phố đi bộ hồ Gươm là tận dụng không gian bao quanh mặt nước, hai tuyến phố trên thiếu lợi thế về vị trí trung tâm; hạ tầng hợp lý nhưng không gian chưa đủ rộng và còn lộn xộn với hàng quán, bãi đỗ xe...
"Nếu không xây dựng mô hình hoạt động phù hợp và quản lý khoa học, các tuyến phố này nguy cơ lặp lại thất bại của phố Trịnh Công Sơn. Đặc biệt, địa phương cần tỉnh táo để nhìn nhận diện mục tiêu trọng yếu của phố đi bộ không phải để kinh doanh, kiếm tiền mà nâng cao chất lượng sống cho đô thị", ông Ánh lưu ý.
Cũng theo vị kiến trúc sư, trước khi có đề án thành lập phố đi bộ tại khu vực phố Trần Nhân Tông và Đảo Ngọc - Ngũ Xã, người dân sinh sống tại đây đã có thói quen đi bộ quanh hồ Thiền Quang và hồ Trúc Bạch.
Vì vậy, việc thành lập phố đi bộ thực chất chỉ mang ý nghĩa về mặt chủ trương, nhằm gia tăng các yếu tố hấp dẫn và tổ chức chuyên nghiệp để thu hút người dân khu vực khác đến tham gia.
Trong đó, chuyên gia nhìn nhận việc hạ hàng rào công viên Thống Nhất để tạo không gian kết nối với phố đi bộ Trần Nhân Tông sắp tới chỉ mang tính "hình thức".
"Hạ hàng rào công viên rất dễ, chỉ cần phá bỏ là xong. Quan trọng là quản lý thế nào để người dân, đặc biệt là trẻ em ra đó chơi an toàn, không bị đe dọa bởi chó chạy rông, xe cộ đi lại lộn xộn, ôtô đỗ tràn vào trong vỉa hè, công viên... Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào phương án và bộ máy án quản lý phố đi bộ", ông Ánh nhận định.
Theo đó, vị kiến trúc sư cho rằng trước khi dỡ tường rào, các đơn vị chức năng cần giải tán toàn bộ bãi đỗ xe đang hoạt động xung quanh công viên Thống Nhất. Chỉ có như vậy, đề án về một tuyến phố đi bộ với tính năng kết nối không gian mới thực sự có giá trị và thu hút người dân.
Trong Chương trình số 03 của Thành ủy khóa XVII về Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị Hà Nội giai đoạn 2021-2025, thành phố đặt mục tiêu mở rộng 3-5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ.
Hiện, dựa trên đề xuất của các quận, huyện, Hà Nội dự kiến có thêm 3 tuyến phố đi bộ mới vào năm 2023 bao gồm các tuyến bao quanh hồ Thiền Quang, Đảo Ngọc - Ngũ Xã và hồ Ngọc Khánh.
Trước đó, UBND Hà Nội yêu cầu dỡ một phần tường rào của công viên Thống Nhất và dừng bán vé vào công viên từ ngày 1/1/2023. Việc này nhằm kết nối với không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông quanh hồ Thiền Quang sắp được hoạt động.