Sau 2 năm chật vật tìm cách sống sót qua Covid-19, đa phần thương hiệu F&B tại Việt Nam đều bật lên và tìm cách mở rộng số lượng cửa hàng. Riêng trong giai đoạn tháng 3/2021-2/2023, 3 chuỗi cà phê dẫn đầu thị phần là Highlands Coffee, Phúc Long và Starbucks đã khai trương hơn 1.000 điểm bán.
Không chỉ gia tăng độ phủ sóng lẫn nâng cao vị thế thương hiệu, việc các chuỗi cà phê đua nhau mở rộng điểm bán còn được kỳ vọng cải thiện hàng loạt vấn đề tài chính và khắc phục những hậu quả của đại dịch.
Vượt qua Covid-19
Tại Việt Nam, Highlands Coffee vẫn là chuỗi cà phê dẫn đầu về quy mô doanh thu. Năm 2019, thương hiệu 23 năm tuổi thu về 2.199 tỷ đồng, tăng 35% so với năm trước đó. Đây cũng là mức doanh thu kỷ lục của Highlands kể từ khi được thành lập.
Bước sang năm 2020, doanh thu của chuỗi giảm nhẹ chưa đến 3% xuống 2.139 tỷ đồng bất chấp sự xuất hiện của Covid-19. Highlands cũng ghi nhận mức lãi ròng 79,5 tỷ đồng trong giai đoạn này.
Phải đến năm 2021, sự ảnh hưởng của Covid-19 mới tác động rõ rệt tới hoạt động kinh doanh của Highlands khi doanh thu bị kéo xuống còn 1.729 tỷ đồng, tức giảm 19% so với năm trước đó. Việc phải đóng cửa tạm thời hàng loạt chi nhánh để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trong khi vẫn phải thanh toán các loại chi phí, đặc biệt là tiền thuê mặt bằng, khiến chuỗi cà phê lần đầu báo lỗ sau 8 năm, khoảng 19 tỷ đồng.
Cuối năm 2021 cũng là giai đoạn thương hiệu do ông David Thái sáng lập vướng vào nhiều lùm xùm liên quan đến vấn đề chậm thanh toán tiền thuê mặt bằng với một số đơn vị chủ quản toà nhà như Artemis (Hà Nội) hay Pax Sky (TP.HCM).
Song, doanh thu của Highlands dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay khi liên tục mở thêm điểm bán. Chuỗi này hiện có 597 cửa hàng chủ yếu nằm ở vị trí đắc địa, tăng 63,5% số lượng so với thời điểm cách đây gần 2 năm.
Cuối năm 2022, Highlands thay đổi logo thương hiệu lần thứ 4. Jollibee Foods Corp (cổ đông lớn của Highlands) cũng có động thái khởi động lại quá trình IPO, vốn bị hoãn lại từ giữa năm 2019, khi dự định bán 10-15% cổ phần đang nắm giữ cho một nhà đầu tư. Chuỗi này dự kiến được định giá ở mức 800 triệu USD.
Không giống Highlands, Starbucks lại có tốc độ mở rộng tương đối khiêm tốn. Từ giữa tháng 3/2021-nay, chuỗi này chỉ mở thêm 20 cửa hàng, nâng tổng số điểm bán lên 87.
Chia sẻ với Zing hồi đầu năm 2022 về chiến lược, CEO Starbucks Việt Nam Patricia Marques khẳng định tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động và định hướng đi theo sự phát triển của các khu dân cư. Những cửa hàng mới khai trương đều đạt mức doanh thu tốt nhờ đặt tại những khu dân cư mới, chưa có nhiều dịch vụ xung quanh.
Mới đây, Starbucks Việt Nam cũng đặt mục tiêu khai trương cửa hàng thứ 100 trong năm 2023, đánh dấu tròn 10 năm thương hiệu cà phê Mỹ bước vào thị trường Việt Nam.
Dù có số lượng cửa hàng thấp hơn các đối thủ nhưng doanh thu của Starbucks luôn nằm trong top 4. Năm 2021, doanh thu của Starbucks Việt Nam đạt 555 tỷ đồng, vượt The Coffee House.
Dẫu vậy, hãng báo lỗ gần 102 tỷ đồng. Giai đoạn 2018-2020, chuỗi lãi sau thuế lần lượt 27 tỷ đồng, 39 tỷ đồng và 4,3 tỷ đồng.
Số phận trái ngược
The Coffee House cũng chứng kiến nhiều thăng trầm trong vài năm trở lại đây. Được thành lập từ năm 2014, nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh sớm đưa thương hiệu trở thành chuỗi cà phê có quy mô cửa hàng lớn thứ hai tại Việt Nam.
Đến cuối năm 2020, The Coffee House sở hữu 175 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ông Ninh trước khi rời ghế Phó chủ tịch HĐQT và chính thức nói lời tạm biệt chuỗi cà phê do chính mình thành lập cũng từng bày tỏ tham vọng mở 700 cửa hàng trong vòng 5 năm (2019-2024), với trung bình mỗi tháng có 10 điểm kinh doanh mới ra đời.
Trên thực tế, số lượng cửa hàng The Coffee House đang giảm dần và hiện còn 154 điểm bán đến nay. Đây cũng là chuỗi duy nhất trong 4 chuỗi đứng đầu thị phần cả nước thu hẹp quy mô cửa hàng.
Tháng 10/2021, The Coffee House đóng cửa mô hình Signature để bảo toàn nguồn lực trong bối cảnh bị dịch bệnh tác động, đồng thời phát triển thêm mô hình kiosk, xe đẩy để hướng đến dịch vụ bán mang đi.
Thời điểm đó, ông Võ Duy Phú - Giám đốc Thương mại và Marketing - tiết lộ chi phí mặt bằng trung bình cho mỗi cửa hàng của chuỗi khoảng 100 triệu đồng/tháng, có nơi diện tích lớn lên đến 150 triệu đồng. Tương đương mỗi tháng, doanh nghiệp phải trả hàng chục tỷ đồng.
Phải đến tháng 1/2023, chuỗi mới mở lại mô hình cao cấp tại trung tâm thương mại Crescent Mall (TP.HCM).
Năm 2019, doanh thu thuần của chuỗi này đạt gần 862 tỷ đồng, tuy nhiên đã giảm xuống còn 735 tỷ đồng năm 2020 và 475 tỷ đồng vào năm 2021. 9 tháng đầu năm 2022, The Coffee House bắt đầu có dấu hiệu phục hồi khi thu về 564 tỷ đồng.
Đối thủ của The Coffee House là Phúc Long là thương hiệu “thay da đổi thịt” rõ nét nhất sau khi về tay Masan. Với 3 đợt đầu tư liên tiếp trong thời gian ngắn với tổng giá trị 6.453 tỷ đồng, mức định giá của Phúc Long tăng vọt lên 10.640 tỷ đồng.
Trước khi được Masan rót vốn, chuỗi này chỉ có hơn 80 điểm bán. Song đến nay, Phúc Long hiện có khoảng 906 điểm bán, bao gồm 132 cửa hàng flagship cùng 774 kiosk và cửa hàng mini tích hợp trong hệ thống WinMart/WinMart+.
Doanh thu của chuỗi đồ uống do ông Lâm Bội Minh thành lập cũng sớm chạm mốc 1.000 tỷ đồng sau thương vụ này. Năm 2022, hệ thống Phúc Long đạt 1.579 tỷ đồng doanh thu và 195 tỷ đồng lợi nhuận hệ số EBITDA (trước thuế, lãi vay và khấu hao). Chuỗi cũng đóng góp 2% doanh thu và 1,3% lợi nhuận cho công ty mẹ.
Nhưng, doanh thu Phúc Long năm vừa qua thấp hơn nhiều so với dự báo ban đầu là 2.500-3.000 tỷ đồng. Các cửa hàng flagship hoạt động hiệu quả với doanh thu và EBITDA lần lượt đạt 1.153 và 332 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, hệ thống kiosk và cửa hàng mini mới mang lại 426 tỷ đồng doanh thu trong khi lỗ EBITDA tới 134 tỷ đồng (con số thực tế còn lớn hơn do chưa trừ đi chi phí lãi vay, khấu hao).
Masan cũng thừa nhận Phúc Long đã đóng cửa các kiosk hoạt động kém hiệu quả và tình trạng này tiêu tốn 42 tỷ đồng chi phí.
Dẫu vậy, hãng dự kiến doanh thu thuần năm nay dao động 2.500-3.000 tỷ đồng, tăng trưởng 58-90% so với năm ngoái nhờ mở khoảng 90 cửa hàng và duy trì hiệu quả doanh thu như hiện tại. Ban lãnh đạo Masan cũng đặt mục tiêu đưa Phúc Long trở thành chuỗi đồ uống có số lượng cửa hàng lớn thứ hai tại Việt Nam, chậm nhất vào quý II/2023.