Tiêu tiền

Mới cưới xong thì Tết đến

Năm đầu làm dâu, Ngọc Thuận cho hay cô hoảng hốt khi nhìn tổng số tiền dự chi cho dịp Tết. Trong khi đó, tâm lý Ngô Trang lại khá thoải mái vì đã "tập dượt" trước khi lấy chồng.

Gần Tết, Ngọc Thuận (25 tuổi, làm việc tại Hà Nội) cùng chồng liệt kê các khoản chi cho Tết. Những năm trước, Thuận vẫn có tâm lý Tết là dịp để tiêu tiền, nhưng năm nay thì khác.

Đầu tháng 12/2023, Thuận lên xe hoa. Năm nay là năm đầu tiên cô ăn Tết tại nhà chồng. Nhìn những khoản dự chi, Thuận "hoảng hốt" khi tổng số tiền lên đến 37 triệu đồng.

"Những năm trước, khi chưa kết hôn, Tết của tôi đơn giản lắm. Tài chính rủng rỉnh lại ít khoản phải chi. Vậy nên tôi không tránh khỏi bất ngờ trong năm đầu làm dâu", Thuận kể.

Lên sẵn danh sách nhưng vẫn sợ lạm chi

Chia sẻ với Tri thức - Znews, Thuận cho biết trong 9 khoản chi dự kiến, khoản lớn nhất là mua quà tặng và biếu bố mẹ 2 bên, bao gồm cây cảnh tổng 6 triệu đồng và 10 triệu đồng để bố mẹ tiêu Tết.

Việc này, hai vợ chồng đều duy trì từ khi bắt đầu đi làm, nên không có gì lạ. Thuận cũng cho rằng đây là một trong những dịp để vợ chồng cô báo hiếu với bố mẹ, nên không suy nghĩ.

Tuy nhiên, có một khoản khiến Thuận bối rối dù đã biết trước, đó là quà Tết họ hàng 2 bên, lên đến 8 triệu đồng. Thuận cho hay quê của hai vợ chồng vẫn duy trì tục "nhận họ" đối với dâu - rể mới. Tức trong năm đầu, hai vợ chồng cần đem theo quà để đi chúc Tết toàn bộ họ hàng nội ngoại hai bên.

"Đây lại là khoản chi bắt buộc, không thể không có. Họ nhà mình và chồng đều đông, quà mang theo cũng cần lịch sự nên cũng tốn kha khá cho khoản này", Thuận kể.

Ngoài 2 khoản trên, vợ chồng Thuận cũng có những khoản chi khác không thể bỏ như tiền lì xì (3 triệu đồng), dự trù sắm sửa Tết (7 triệu đồng), quà biếu sếp (2 triệu đồng)...

Cô dâu mới cho hay một số khoản cô đang cân nhắc như thuê ôtô đi lại trong ngày Tết (3 triệu đồng) do không đem xe máy về quê, nhà lại đông người và lo ngại thời tiết. Thuận cũng nói năm nay, cô sẽ cắt bớt khoản mua sắm cá nhân của hai vợ chồng để ưu tiên các khoản chi khác.

"Thế nhưng, tôi vẫn lo con số 37 triệu đồng là chưa đủ bởi trong Tết sẽ có nhiều khoản phát sinh", Thuận chia sẻ.

Cũng kết hôn năm 2023, Nguyễn Biên (25 tuổi, hiện sống tại Hà Nội) cho hay việc sắm Tết Giáp Thìn 2024 khiến cô rất băn khoăn bởi trước nay, cô chưa từng tự tay sắm Tết, việc này đều do mẹ đẻ và các chị của cô lo.

Bên cạnh đó, cô mới chỉ về nhà chồng hơn 2 tháng, chưa hiểu hết nếp sống, ăn ở trong gia đình.

Do vậy, nàng dâu mới không ngại ngần hỏi ý kiến mẹ chồng. Cô cho rằng chỉ có mẹ mới hiểu gia đình nhất, chỉ "theo chân" mẹ mới không thiếu sót. Ngoài ra, Biên cũng tâm sự với em chồng để biết những thói quen trong gia đình vào dịp này.

Hơn một tháng trước, hai vợ chồng Nguyễn Biên bắt đầu ngồi lại tính toán, lên kế hoạch cụ thể để chuẩn bị Tết được chu toàn.

"Tết đầu tiên sau khi kết hôn, tôi đã chuẩn bị tinh thần là khoản chi sẽ tốn kha khá. Đều là dân văn phòng, thu nhập chưa cao, vợ chồng tôi quyết định trích ra một tháng lương kèm theo khoản thưởng cuối năm cho Tết này, khoảng 27 triệu đồng", Biên cho hay cô đã chuẩn bị tâm lý và áng chừng con số từ trước.

Dù vậy, vợ chồng cô vẫn khá khủng hoảng về vấn đề tài chính do mới kết hôn, chưa biết cách quản lý chi tiêu, sợ Tết này sẽ vượt qua con số 27 triệu đồng.

Việc lên danh sách chi và sắm sửa trong dịp Tết Nguyên đán khiến nhiều cặp đôi mới cưới "đau đầu". Ảnh: Việt Linh.

Vui vẻ sắm Tết vì đã có kinh nghiệm

Ngược lại với Biên và Thuận, cũng kết hôn năm 2023, Ngô Trang (25 tuổi, hiện sống tại Hà Nội) lại có phần dày dạn kinh nghiệm bởi những năm trước, khi chưa kết hôn, cô đều tự tay sắm Tết cho gia đình.

Nửa tháng trước Tết, vợ chồng Trang bắt đầu tính toán những khoản cần chi. Cô cho hay việc này không có gì khó, quan trọng là phải xác định được những khoản cơ bản cần có. Sau đó, phụ thuộc vào kinh tế gia đình để đặt ra giới hạn chi tiêu trước khi mua sắm.

Đối với gia đình Trang, 6 khoản cơ bản chắc chắn phải có bao gồm tiền biếu bố mẹ 2 bên, quà Tết họ hàng, tiền lì xì, sắm sửa Tết (đồ thờ cúng, thực phẩm Tết, đồ trang trí...) và sắm sửa cho bản thân. Ngoài ra, Trang cũng tính toán một số khoản phát sinh và chuẩn bị kinh phí dự trù, hạn chế việc vượt quá ngân sách.

Trang cho hay do làm kinh doanh tự do, vợ chồng cô phần thoải mái thời gian. Vì vậy, ngay sau khi lên danh sách, vợ chồng cô đã rục rịch đi sắm Tết trực tiếp thay vì mua online. Trang nói hai vợ chồng coi việc sắm Tết là niềm vui cuối năm, là dịp để tiêu tiền bởi cả năm đã bận rộn với công việc.

"Cứ lúc nào rảnh, vợ chồng tôi sẽ đi sắm Tết lúc đó, mỗi hôm sẽ mua một ít. Việc sắm sửa từ sớm giúp tôi có thời gian cân nhắc giá cả, chất lượng, tiết kiệm chi phí, tránh việc căng thẳng nếu để dồn dập vào cận Tết", Trang nói.

Cô cũng chia sẻ năm nay, hai vợ chồng tối giản quà Tết, không nhất thiết phải cao cấp và đắt tiền, quan trọng là mang lại giá trị cho người thân. Đồ đạc, thực phẩm dùng trong ngày Tết cũng tập trung vào những thứ cần thiết, ở mức độ vừa phải, không mang tâm lý "mua tích trữ" để tránh lãng phí.

Vợ chồng Ngô Trang coi việc sắm Tết là niềm vui cuối năm bởi cả năm đã bận rộn với công việc. Ảnh: NVCC

May mắn vì có bố mẹ hỗ trợ

Chia sẻ với Tri thức - Znews, cả Trang, Biên và Thuận đều nói cảm thấy may mắn vì được bố mẹ 2 bên hỗ trợ trong dịp lễ đặc biệt này. Trang cho hay dù có kinh nghiệm, cô vẫn không tránh khỏi thiếu sót.

"May mắn, mẹ chồng mình là người chu toàn nên mọi việc diễn ra suôn sẻ, năm đầu đón Tết nhà chồng không căng thẳng như mình nghĩ", Trang chia sẻ mẹ chồng cô thường xuyên dặn dò những thứ cần chuẩn bị trong những dịp quan trọng của năm.

Trong khi đó, chiều 28 tháng chạp, vợ chồng Ngọc Thuận mới về quê. Lúc này, bố mẹ hai bên đã sắm sửa khá đầy đủ.

Biết con cái bận, hai bên bố mẹ đều rất thông cảm. Danh sách mua sắm Tết của Thuận cũng do hai mẹ gợi ý và mua giúp. Khi về quê, nếu thiếu, vợ chồng cô sẽ mua bổ sung.

"Mới cưới, lại còn trẻ, rất nhiều thứ chúng tôi không rõ. Vậy nên trước khi chúng tôi nghĩ đến, mẹ chồng đã hỏi chuyện và gợi ý những thứ cần chuẩn bị. Mẹ cũng là người nhắc nhở chồng tôi cần chuẩn bị quà Tết chu đáo cho bố mẹ vợ", Thuận chia sẻ.

Tương tự, Nguyễn Biên cho biết năm nay, vợ chồng cô chủ yếu sắm sửa đồ cá nhân, mua quà Tết biếu bố mẹ hai bên và sắm mới những vật dụng, đồ bếp cần thiết.

Còn đồ cúng lễ, thực phẩm nấu nướng ngày Tết, hai vợ chồng biếu mẹ một khoản riêng để mẹ tiện sắm sửa. Dù vậy, thương các con nên bố mẹ không muốn vợ chồng cô phải chi tiêu quá nhiều.

"May mắn, bố mẹ chồng dễ tính nên không đặt nặng việc mua bán hay bếp núc gì cho con dâu. Thay vào đó, vợ chồng tôi phụ trách khoản trang trí nhà cửa để Tết đầm ấm, vui vẻ nhất. Về phía bố mẹ đẻ, ông bà thậm chí không nhận tiền do chúng tôi biếu vì thương con gái lấy chồng xa. Do vậy, tôi chọn mua quà để đem về quê", Biên cho hay.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/moi-cuoi-xong-thi-tet-den-post1459308.html