Thị trường bất động sản giai đoạn năm 2020 đến đầu năm 2022 diễn biến sôi động. Theo đó, nhiều môi giới bất động sản giàu lên bất chợt vì có mức thu nhập khủng. Do vậy, nhiều người đứng ngoài cũng cảm thấy “thèm”, quyết định bỏ công việc đang làm để bước chân vào nghề môi giới nhà đất nhưng sau đó lại hoàn toàn “vỡ mộng”.
Anh Nguyễn Hợp (sinh năm 1995, quê quán Nam Định) cho biết, trước năm 2022, anh vốn chỉ là nhân viên văn phòng bình thường tại Hà Nội, với mức lương vỏn vẹn 10 triệu đồng/ tháng.
“Với mức lương như vậy, tôi làm cả đời cũng không thể mua được nhà và có cuộc sống ổn định tại Thủ đô. Điều này đã thôi thúc tôi phải tìm tới công việc mới có mức thu nhập cao hơn”, anh Hợp nói.
Nhìn sang những người bạn thời cấp 3, anh Hợp càng cảm thấy lép vế. Trong khi trước kia lực học cũng chỉ ngang bằng nhau nhưng những người bạn “hai lúa” của anh ngày nào nay đã khác rất nhiều từ cách nói chuyện hoạt ngôn, am hiểu về nhiều lĩnh vực trong xã hội,…
“Các bạn của tôi đều làm nghề môi giới bất động sản, được tiếp xúc với những người có tiền nên am hiểu rất nhiều. Những năm trước, thị trường sốt nóng họ kiếm cả trăm triệu đồng/tháng. Mỗi khi gặp mặt họ đều khoe đã mua được nhà, có xế hộp riêng, kèm theo đó là những món phụ kiện đắt tiền”, anh Hợp nói.
Từ những điều được chứng kiến đã thôi thúc anh Hợp bỏ công việc 8 tiếng mỗi ngày tại văn phòng. Từ tháng 3/2022, anh chính thức trở thành môi giới bất động sản của một sàn giao dịch tại Hà Nội.
“Sau 2 tháng đầu tiên, nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè, đồng nghiệp tôi cũng đã có giao dịch đầu tiên. Cầm tiền hoa hồng 30 triệu đồng trong tay, tôi càng thấy có động lực làm việc và tiếp tục vẽ ra những viễn cảnh”, anh Hợp kể.
Tuy nhiên, ngày vui chẳng được bao lâu, thị trường bất động sản liên tục gặp nhiều khó khăn rồi từ từ rơi vào trầm lắng. Do vậy, một số môi giới không có giao dịch thành công, trong đó bao gồm cả anh Hợp.
“Thị trường trầm lắng tới tận hiện tại, giao dịch liên tục sụt giảm. Một số môi giới lâu năm vì có tệp khách hàng quen nên lác đác có giao dịch. Còn những môi giới mới như tôi thì không có. Tôi cũng không ngờ, lần nhận hoa hồng đầu tiên cũng là lần cuối của tôi trong năm nay”, người môi giới này nói.
Dù cố gắng tìm kiếm giao dịch trong nhiều tháng nhưng không thành công, anh Hợp bị công ty cắt luôn lương cứng và phải sử dụng đến tiền tiết kiệm để chi tiêu. Thậm chí, có lúc anh phải xoay sở vay tiền bạn bè trang trải các khoản sinh hoạt hàng ngày. Anh Hợp cho biết, sau khi Tết Nguyên đán kết thúc sẽ đi tìm công việc mới để ổn định cuộc sống.
“Môi giới bất động sản sống nhờ tiền hoa hồng, nhưng giao dịch không có, tôi bị cắt luôn cả lương cứ hỗ trợ xăng xe. Rất nhiều môi giới cũng rơi vào hoàn cảnh như tôi hiện tại. Về nghỉ Tết tôi phải đi vay tiền bạn bè để lo sắm sửa, biếu bố mẹ và mua cho các em bộ quần áo mới. Sau khi nghỉ Tết xong tôi sẽ đi tìm công việc mới, lương dù ít hay nhiều những vẫn có thể duy trì được cuộc sống tại Thủ đô. Nghề môi giới tôi thấy bấp bênh quá”, anh Hợp than thở.
Thực tế, hiện nay không chỉ anh Hợp rơi vào cảnh “vỡ mộng”, nhiều môi giới mới vào nghề thời gian qua cũng có hoàn cảnh tương tự.
Anh Vũ Hiếu Nghĩa, chủ một sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, thị trường rơi vào trầm lắng, giao dịch xuống thấp. Theo đó, nhiều công ty về bất động sản phải cắt giảm nhận sự, thu gọn mô hình kinh doanh để bám trụ.
"Trong những năm qua, lực lượng lao động tham gia vào nghề môi giới bất động sản rất đông. Nhưng thực tế, nghề này có tính đào thải cao, kể cả trong lúc thị trường sôi động, không phải ai cũng có giao dịch. Nhiều người không bám trụ nổi tới lúc có giao dịch đầu tiên”, anh Nghĩa nói.
Theo vị này, nghề môi giới bất động sản chỉ có một thời điểm kiếm tiền nhất định, sau đó phải “nằm gai nếm mật” chờ thị trường sôi động. Trong khi những người bên ngoài chỉ nhìn được bề nổi và tưởng rằng, nghề này nhàn, dễ kiếm tiền.
“Nhiều môi giới mới vừa vào nghề đã vỡ mộng vì không giống bên ngoài nhìn vào. Trong giai đoạn hiện nay, những người mới vào nghề sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bởi, họ chưa có nhiều kinh nghiệm xoay sở, tệp khách hàng quen và chưa có vốn tích luỹ. Do vậy, họ cần phải lo được cuộc sống trước mắt nên khả năng bỏ nghề là rất cao”, anh Nghĩa chia sẻ.