Từng được xem là môi giới “kì cựu” của thị trường đất nền, từng liên tục chốt giao dịch và có mối thân quen với nhiều nhà đầu tư bất động sản nhưng mới đây, anh Thuận (ngụ quận 9, Tp.HCM) cũng không thể trụ với nghề. Anh cùng vợ xoay vốn mở quán nhỏ, kinh doanh trà sữa và đồ ăn vặt.
Khi hỏi, công việc hiện tại như thế nào so với nghề môi giới môi giới, anh Thuận chia sẻ: “Vất vả chứ. Cũng buồn lắm, do thị trường nhà đất khó khăn quá, vì miếng cơm manh áo mà phải xoay sở thêm. Nhưng tôi vẫn song song cả hai việc. Vẫn tìm nguồn hàng và tìm khách. Vừa bán đồ ăn, vừa chờ thị trường nhà đất hồi phục trở lại”.
Được biết, anh Thuận là môi giới tự do có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực môi giới đất nền. Anh cũng từng tham gia nhiều hoạt động đầu tư đất. Sau hơn một năm thị trường khó khăn khiến cuộc sống của anh bị đảo lộn. Thời điểm giữa năm 2022, theo anh Thuận, anh vẫn có giao dịch lai rai nhưng từ cuối năm 2022 đến nay gần như không bán được. Có một số nền đất ngộp giá sâu cũng nhiều anh em môi giới tham gia bán. Việc chia sẻ hoa hồng đã khiến thu nhập của anh chỉ đủ tiền đi lại, tiếp khách.
Anh Thuận đã từng có thời “hoàng kim” chốt giao dịch liên tục khi cả nguồn hàng và lượng khách mua dồi dào. Do có thâm niên trong nghề, gây dựng được nhiều mối quan hệ với nhà đầu tư. Vì thế, việc ra hàng của anh liên tục lúc thị trường sôi động. Thậm chí, cùng một nền đất, anh bán đi bán lại cho nhiều nhà đầu tư.
Anh Thuận tiết lộ, thu nhập thời điểm 2017-2020 trung bình từ 100-200 triệu đồng, có những tháng đột biến có thể lên đến con số 300 triệu đồng/tháng. Mức sống dư giả, anh còn có thêm khoản tiền để đầu tư bất động sản. Hiện tại, anh vẫn “ôm” một số nền đất. Tuy là người trong nghề nhưng hiện anh bán cũng không được do thị trường yếu sức mua.
Cũng đầu tư một xe bán đồ ăn vặt trước cửa nhà để kiếm kế mưu sinh lúc thị trường nhà đất khó khăn, anh H, một môi giới đất nền khu Đông Tp.HCM than thở: “Chưa bao giờ thấy khổ như bây giờ”. Thị trường khó khăn khiến việc kiếm sống trở nên vất vả. Được biết, bên cạnh bán đồ ăn vặt, anh H cũng tranh thủ nhận các cuốc xe ôm trong khu vực, hoặc người quen để có tiền trang trải cuộc sống và trả lãi vay ngân hàng hàng tháng cho căn nhà đang ở.
Anh H vốn từng là thu nhập chính trong gia đình. Vợ anh trước nay làm nội trợ, hiện cũng đã phải đi xin việc làm để đỡ đần kinh tế do công việc của chồng thu nhập bấp bênh. Trước đây, anh từng có thu nhập ổn định từ nghề môi giới. Căn nhà hiện tại gia đình anh đang ở cũng tích góp có được từ nghề môi giới (có vay ngân hàng).
Theo anh H, gần năm nay, anh mất thu nhập từ nghề. Lâu lâu có một mối chia sẻ nguồn hàng với anh em môi giới nhưng không đáng kể. Việc buôn bán đồ ăn cũng chỉ đủ tiền thức ăn hàng ngày, không dư giả, không đủ cho các khoản chi tiêu khác.
Theo thống kê của hội môi giới bất động sản Việt Nam, hiện chỉ còn khoảng 30-40% môi giới còn làm việc. Số còn lại đã nghỉ nghề, bỏ nghề kiếm việc khác mưu sinh do thị trường bất động sản khó khăn. Những môi giới còn trụ lại với nghề cũng phải linh hoạt kiếm sống, vừa làm môi giới, vừa kiếm việc làm thêm.
Số liệu khảo sát của hội này cho thấy, hơn 95% người được khảo sát có thu nhập giảm so với năm trước. Trong đó, hơn 14% môi giới bất động sản trong khảo sát cho biết thu nhập của họ giảm từ 20 - 30% so với cùng kỳ. Hơn 54% tụt giảm từ 30 - 40%. Cá biệt có khoảng 5% môi giới bị giảm trên 70% thu nhập.
Hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản trở thành làn sóng càn quét trên quy mô rộng khắp các địa phương trên cả nước. Tình trạng vô cùng báo động.
Theo đơn vị này, lượng môi giới bất động sản bỏ nghề phần lớn thuộc các đối tượng “lính mới” và “tay ngang” chưa được đào tạo bài bản về nghề cũng như khả năng ứng biến trước các tình huống khó khăn của thị trường.
Mới đây, khi hỏi một môi giới đất nền khu Đông Tp.HCM liệu còn trụ được với nghề?, nam môi giới này chia sẻ: “Nếu giờ nghỉ cũng không biết làm gì”. Cho nên, anh và một số môi giới vẫn bám trụ, mong thị trường sớm hồi phục. Môi giới này cũng cho biết, giờ chỉ còn hi vọng và các sản phẩm đất nền ngộp giá, giảm sâu được các nhà đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi mua vào.
Các chuyên gia bất động sản dự đoán thị trường bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn, chưa thể phục hồi nhanh khi các vướng mắc pháp lý, dòng vốn chưa được tháo gỡ.