Các môi giới bất động sản hô giá các lô đất nền xây nhà ở lên cả trăm triệu đến tỷ đồng khiến chủ sở hữu và người mua gần như không thể giao dịch.
Hai tuần nay, ông Nguyễn Kỳ (ngụ Thanh Hóa) lặn lội vào Đà Nẵng mua đất làm nhà cho con trai mới lập gia đình. Hai cha con ông Kỳ có tổng số tiền khoảng 2,3 tỷ đồng. Người cha này ý định mua một đất ở vùng ven Đà Nẵng khoảng 1,5- 1,7 tỷ đồng. Số tiền còn lại, ông Kỳ sẽ xây nhà cấp bốn cho vợ chồng con trai.
Theo lời ông Kỳ, do không hiểu nhiều về thị trường bất động sản ở đây nên ông phải nhờ bạn bè tư vấn. Tuy nhiên, đã hơn 2 tuần, ông vẫn chưa mua được một lô đất đúng như ý nguyện. "Tôi đi xem đất cũng ưng một số lô nhưng vẫn chưa mua được vì cò" hét giá cao hơn so với thực tế cả trăm triệu, thậm chí vài ba trăm", ông Kỳ kể.
Đất nền bị đẩy giá
Theo tìm hiểu, tại các vùng ven huyện Hòa Vang, Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), nhất là khu giáp Quảng Nam... vẫn còn nhiều lô đất mà người dân rao bán. So với thời điểm dịch Covid-19, giá đất ở đây có tăng khoảng 50-100 triệu đồng (tùy theo diện tích và vị trí).
Ở những khu vực này, đa phần là đất nền nằm trong khu dân cư đã đông đúc với diện tích từ 80-100 m2. Nhiều hộ dân có nhu cầu về vốn để đầu tư làm ăn, hoặc cho con ăn học nên rao bán.
Ông Nguyễn Văn Thế (ngụ huyện Hòa Vang) cho hay nhà còn hơn 750 m2 đất ở. Sau khi chia cho 2 con (một trai, một gái), ông định bán khoảng 100 m2 đất để có vốn làm ăn. "Tôi rao bán 850 triệu đồng. Người mua đến xem rồi đi chứ chưa chốt được", ông Thế kể.
Sau khi tìm hiểu, ông Thế biết được lô đất của mình đang bị một số "cò" đẩy giá lên hơn 1 tỷ. "Hôm trước có người đến hỏi mua đất, tôi chụp ảnh sổ đỏ gửi họ. Sau đó, những người này đăng ảnh sổ đỏ của tôi lên mạng xã hội, kèm nội dung bán đất với giá 1,1 tỷ đồng. Một số người môi giới hét giá cao hơn 200 triệu đồng như thế nên người mua chê đắt", ông Thế cho hay.
Rơi vào hoàn cảnh tương tự, bà Nguyễn Thị Tuyến (ngụ quận Ngũ Hành Sơn) cũng rao bán 150 m2 đất ở phường Hòa Quý cả 2 tháng nay nhưng vẫn chưa ai mua. Theo lời bà, lô đất của gia đình nằm ở cạnh đường 3,5 m. Sau khi khảo sát giá thị trường, bà rao bán với giá 2,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số người môi giới hét giá lô đất trên với giá 2,85 tỷ đồng.
"Mình ký gửi ở một số văn phòng môi giới bất động sản nhờ họ bán. Nếu giao dịch thành công, gia đình sẽ trích 1% số tiền bán đất cho họ. Thế nhưng, một số "cò đất" lại muốn ăn dày nên rao bán lô đất này với giá cao hơn rất nhiều nên nhiều người đến xem rồi bỏ đi chứ không chốt được", bà Tuyến kể.
Trong vai người cần mua đất ở, phóng viên đã liên hệ với một số người môi giới bất động sản. Sau khi đưa ra tiêu chí, gần một tuần, họ chỉ cho phóng viên hàng chục lô đất ở các khu vực vùng ven.
Kết quả xác minh, hầu hết lô đất mà những người môi giới giới thiệu đều được đẩy giá cao hơn 100-200 triệu đồng, thậm chí ở khu vực Hòa Xuân bị đẩy giá lên nửa tỷ đồng. Việc "cò" đẩy giá khiến người mua và chủ sở hữu không có tiếng nói chung, dẫn đến nhiều giao dịch không thành.
Đơn cử như lô đất có diện tích hơn 83 m2 ở sát đường bê tông 3,5 m phường Hòa Quý được chủ sở hữu rao bán với giá 1,6 tỷ. Tuy nhiên, qua tay "cò", lô đất này bị đẩy giá lên 1,8 tỷ đồng .
Chiêu trò tạo "sốt đất" ảo để trục lợi
Thời gia vừa qua, tại bộ phận một cửa UBND huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) xảy ra tình trạng người dân đổ xô đến làm thủ tục đất đai. Có những hôm, tại bộ phận này tụ tập đến hơn 200 người, dẫn đến cảnh chen lấn, xô đẩy.
Cùng thời điểm này, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện ảnh, clip có cảnh người dân chen lấn đi nộp hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất. Sau khi thông tin trên lan truyền, giới cò đất tung tin ở một số khu vực sẽ có dự án nên giá đất đang "sốt".
Thị trường bất động sản có tăng giá nhưng đa phần ở phân khúc đất nền. Ở phân khúc này nếu có tăng giá thì cũng không đáng kể.
Ông Nguyễn Tín
Nghi ngờ tình trạng trên không đúng thực tế thị trường bất động sản ở địa phương, Sở Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) Đà Nẵng đã vào cuộc xác minh.
Lãnh đạo đơn vị này khẳng định thời gian gần đây xuất hiện một số nhóm người chủ ý tạo ra những đợt sốt đất ảo, nhất là địa bàn nông thôn ở các tỉnh, TP cả nước, trong đó có huyện Hòa Vang thuộc TP Đà Nẵng để trục lợi.
Chiêu trò của nhóm người này là tạo điểm nóng để đăng tin không chính xác về nhu cầu người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giao dịch đất đai huyện Hòa Vang.
Qua khảo sát, hầu hết người dân thực hiện giao dịch thật sự theo nhu cầu không quá nhiều. Những hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội có phần đông là những nhóm người môi giới mua bán đất đai, môi giới làm thay thủ tục đất đai cho người khác.
Nhóm người này là chụp ảnh đông người rồi đưa lên mạng xã hội, nhằm phô trương nhu cầu, quy mô lượng khách giao dịch mua, bán đất đai để tạo làn sóng gây sốt ảo. Với thủ đoạn này, họ sẽ làm giá mua đi bán lại giữa các nhóm người với nhau.
“Việc thổi giá ngày hôm sau tăng so với hôm trước nhằm đẩy giá đất lên cao qua từng ngày để trục lợi. Nhưng thực tế nhu cầu sử dụng đất của người dân vào mục đích để ở hay sản xuất nông nghiệp là không nhiều”, Sở TNMT Đà Nẵng khẳng định.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Tín, giám đốc một công ty bất động sản khu vực miền Trung, khẳng định từ sau Tết Nguyên đán, các địa phương đã gỡ bỏ quy định khắt khe về phòng, chống dịch Covid-19. Người dân trong nước đã được tự do đi lại, các ngành nghề, nhất là lĩnh vực du lịch đã và đang có những dấu hiệu phục hồi.
Do đó, thị trường bất động sản cũng đang ấm dần so với 2 năm xảy ra dịch bệnh. "Thị trường bất động sản có tăng giá nhưng đa phần ở phân khúc đất nền. Ở phân khúc này nếu có tăng giá thì cũng không đáng kể", ông Tín nhận định và khuyến cáo người dân tỉnh táo trước những tin đồn "sốt đất" để khỏi bị mua phải những lô đất có giá cao hơn rất nhiều so với thời điểm giao dịch.