Chuyến thăm đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh trong bối cảnh Mỹ và Ả Rập Xê-Út đang tồn tại nhiều bất đồng vì vấn đề cắt giảm dầu thô của OPEC.
Trung Quốc và Ả Rập Xê-Út hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Trung Quốc là nhà đầu tư tiềm năng, đồng thời, Ả Rập Xê-Út là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu thế giới.
Ayham Kamel, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Trung Đông và Bắc Phi của Eurasia Group cho biết: “Hợp tác năng lượng sẽ là vấn đề trọng tâm trong tất cả các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo Ả Rập Xê Út và lãnh đạo Trung Quốc. Hai nước cần thiết lập các tiêu chuẩn nhất định để đảm bảo sự hợp tác nằm trong khuôn khổ chính trị cũng như tuân thủ các quy định chuyển đổi năng lượng ở phương Tây.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon trong những thập kỷ tới. Một số nước như Canada và Đức đã đầu tư gấp đôi vào năng lượng tái tạo để đẩy nhanh quá trình cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống gần 0 càng sớm càng tốt (phát thải ròng bằng 0).
Mỹ đã tăng đáng kể sản lượng dầu khí trong nước kể từ những năm 2000, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Xung đột Nga và Ukraine vào tháng 2 đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến tất cả các quốc gia phải chạy đua để có thêm nguồn cung cấp. Phương Tây đã tiếp tục tranh giành thị trường dầu mỏ bằng cách đặt lệnh cấm vận và áp trần giá dầu đối với Nga - nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới.
Bên cạnh đó, an ninh năng lượng cũng đang trở thành ưu tiên hàng đầu đối với Trung Quốc - quốc gia đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Năng lượng là cốt lõi
Năm ngoái, thương mại song phương giữa Ả Rập Xê-Út và Trung Quốc đạt 87,3 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2020, theo số liệu của hải quan Trung Quốc.
Phần lớn giao dịch tập trung vào dầu mỏ. Nhập khẩu dầu thô từ Ả Rập Xê-Út của Trung Quốc đạt mức 43,9 tỷ USD vào năm 2021. Con số này chiếm 77% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Ả Rập Xê-Út của đất nước tỷ dân. Và số tiền cũng chiếm hơn 1/4 tổng giá trị xuất khẩu dầu thô của Ả Rập Xê-Út.
Theo Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell, ưu tiên hàng đầu của ông Tập Cận Bình là sự ổn định cả về giá và sản lượng của nguồn cung. Bởi Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu khí từ nước ngoài. Theo số liệu chính thức, vào năm ngoái, 72% sản lượng dầu tiêu thụ và 44% lượng khí đốt của quốc gia này đều là ngoại nhập.
Tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào tháng 10, ông Tập nhấn mạnh rằng đảm bảo an ninh năng lượng là ưu tiên hàng đầu.
Trong khoảng thời gian diễn ra xung đột giữa Nga và Ukraine, dầu Nga bị phương Tây quay lưng. Vì vậy, Trung Quốc đã tận dụng thời cơ. Từ tháng 5 đến tháng 7, Nga là nhà cung cấp dầu số một cho Trung Quốc, cho đến khi Ả Rập Xê-Út giành lại vị trí vào tháng 8.
Sự đa dạng nguồn cung là điều kiện then chốt đối với chiến lược an ninh năng lượng dài hạn của Trung Quốc. Quốc gia này đã không “bỏ trứng vào một giỏ” để tránh trở thành “con mồi” trong tranh chấp của các cường quốc khác.
“Mặc dù Nga là nguồn cung cấp dầu rẻ hơn, nhưng không ai có thể đảm bảo chắc chắn rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục phát triển trong 50 năm tới,” theo Ahmed Aboudouh - thành viên không thường trực của chương trình Middle East thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington DC.
Hãng thông tấn Ả Rập Xê-Út cũng dẫn lời của Abdulaziz bin Salman - Bộ trưởng năng lượng rằng vương quốc này sẽ vẫn là “đối tác đáng tin cậy” của Trung Quốc trong lĩnh vực cung cấp dầu mỏ.
Theo ông Gal Luft, đồng giám đốc Viện phân tích an ninh toàn cầu, Ả Rập Xê-Út cũng đang có nhiều động thái mạnh mẽ để tăng cường quan hệ với Trung Quốc trong ngành năng lượng.
Ông cũng cho biết, Ả Rập Xê-Út lo lắng có thể đánh mất thị trường này tại Trung Quốc do Nga và Iran đang giảm giá dầu một cách mạnh mẽ. Mục tiêu của Ả Rập Xê-Út là đảm bảo đất nước tỷ dân vẫn là khách hàng số một của họ dù cho giá dầu của các nước khác có rẻ hơn.
Hiện tại, giá dầu đã quay trở về mức giá trước khi chiến sự giữa Nga và Ukraine bùng nổ do lo ngại về sự suy giảm kinh tế toàn cầu.
Chuyển sang nhân dân tệ?
Ngoài sự bảo đảm về nguồn cung, Ả Rập Xê-Út còn có thể đem lại cho Trung Quốc một “món hời” khác. Hai nước đã đàm phán để đi đến một quyết định rằng thay vì mua bán dầu bằng USD, hai nước sẽ chuyển sang đồng nhân dân tệ, theo dự báo từ tạp chí phố Wall.
Một thỏa thuận như vậy sẽ thúc đẩy tham vọng của Trung Quốc rằng quốc gia này sẽ mở rộng ảnh hưởng của nhân dân tệ tới toàn thế giới. Tuy nhiên, nếu có thì điều này cũng sẽ gây tổn hại đến thỏa thuận lâu dài giữa Ả Rập Xê-Út và Mỹ. Bởi theo hiệp ước đã ký, Ả Rập Xê-Út phải từ chối tất cả các loại tiền tệ khác trong việc mua bán dầu mỏ ngoại trừ đồng đô la Mỹ. Đây được gọi là hệ thống petrodollar (mua bán dầu bằng USD).
Ảnh: Reuters
Dù chưa có báo cáo nào xác nhận về quyết định đàm phán này nhưng các nhà phân tích cho rằng điều này sẽ sớm được Bắc Kinh và Riyadh đề cập tới. Điều này có ý nghĩa rất lớn khi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Ả Rập Xê-Út.
Cả hai quốc gia đều phụ thuộc quá nhiều vào USD và không có lý do gì để họ tiếp tục thực hiện thương mại song phương bằng đồng tiền của bên thứ ba, đặc biệt là khi bên thứ ba này không còn là bạn của một trong hai quốc gia nữa.
Luft cũng nói thêm, chuyến thăm của ông Tập có thể đánh dấu một bước tiến mới nhằm mục đích giảm vị thế của đồng đô la Mỹ, với tư cách là đồng tiền dự trữ.
Giới hạn trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ả Rập Xê-Út
Tuy nhiên, các hoạt động tiếp cận Trung Đông của Mỹ khiến Ả Rập Xê-Út lo ngại. Quốc gia này cho rằng chính mối quan hệ của họ với Trung Quốc có thể khiến họ gặp nhiều khó khăn trong các cuộc đàm phán với Mỹ.
Bởi sau tất cả, 75 năm qua Mỹ mới là quốc gia đã tạo ra nhiều ảnh hưởng tới sự phát triển của Ả Rập Xê-Út.
Các nhà phân tích cho biết, dù có khả năng chuyển sang giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, thì vẫn còn quá sớm để nói rằng Ả Rập Xê-út sẽ bỏ đồng đô la trong hoạt động bán dầu của mình.
Kamal của Eurasia Group cho rằng có thể sẽ vẫn có cuộc thảo luận liên quan tới việc định giá dầu cho Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ là hoạt động trong khuôn khổ “ngoại giao” song phương và có giới hạn nhất định.
Tham khảo: CNN