Trước đợt sale 1-2 ngày, tôi có thói quen dạo quanh các sàn thương mại điện tử xem quần áo, mỹ phẩm. Dù chưa tới ngày khuyến mãi, hầu hết sản phẩm đã được gắn nhãn giảm giá khá bắt mắt.
Vì thấy rẻ, tôi bỏ một vài món vào giỏ hàng và chờ ngày "chốt đơn". Nhìn các item vừa chọn, trong lòng tôi hào hứng lạ kỳ.
Sáng hôm sau, cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy, tôi mở app và đặt một ly latte thơm lừng để cải thiện tâm trạng.
Tất cả quyết định chi tiêu trên đều không được tôi dự tính trước.
Một vài người quen của tôi cũng mua sắm theo cách này. Mỗi khi vào siêu thị, ở quầy thanh toán, họ thường bất giác lấy thêm một thanh chocolate hay kẹo dẻo - những thứ vốn nằm ngoài danh sách cần mua.
Chúng tôi đã mua sắm bốc đồng. Và thực ra, đây là một hiện tượng rất bình thường mà ai cũng có thể gặp phải.
Khi nào ta mua sắm bốc đồng?
Gần như tất cả chúng ta đều từng bị mua sắm bốc đồng (impulse buying) quyến rũ. Trong khảo sát năm 2020 của trang Slickdeals, người Mỹ tốn trung bình 183 USD mỗi tháng (hơn 4 triệu đồng) cho những đơn hàng ngẫu nhiên.
Tuy không quá lớn, con số này hoàn toàn có thể lên đến 50 triệu đồng sau 12 tháng, và 100 triệu đồng sau 24 tháng nếu ta không kiểm soát được thu chi của mình.
Đúng như tên gọi, mua sắm bốc đồng là cụm từ chỉ việc mua sắm mà không có tính toán trước.
Nó xảy ra trong nhiều trường hợp lớn nhỏ: từ chuyện trả thêm tiền cho thanh kẹo ở siêu thị đến việc bạn ghé vào trung tâm thương mại dạo chơi, sau đó trở ra với 4-5 chiếc túi giấy của H&M, Zara, Pull&Bear,...
Chỉ cần khoản chi đó nằm ngoài ngân sách của bạn, nó là một khoản mua sắm bốc đồng.
Tại sao chúng ta mua ngoài dự tính?
Tùy trường hợp, mỗi người có một lý do khác nhau cho việc tiêu tiền. Tuy vậy, điểm chung của những lần mua sắm bốc đồng là chúng giúp ta giải tỏa nguyện vọng nhất thời.
Khi thấy một chiếc áo hợp nhãn, ta mua vì mong muốn mặc thử và sở hữu nó trong tủ đồ của mình. Một mẫu điện thoại mới ra, không ít người xếp hàng mua vì không muốn chậm chân, thua kém bạn bè.
Mua hàng trong lúc phấn khích hoặc khi buồn chán, nếu không cân nhắc, cũng được xem là impulse buying.
Còn theo Ramsey Solutions, có 3 lý do chính dẫn đến hành vi này, gồm:
Cảm xúc
Dù bạn đã nghe bao nhiêu lý thuyết về quản lý tài chính cá nhân đi chăng nữa, đây vẫn là việc thuộc phạm vi riêng tư và "mỗi nhà mỗi cảnh". Vì vậy, cảm xúc đóng một vai trò rất lớn trong cách bạn tiêu xài.
Ví dụ, những ngày căng thẳng, bạn có thể muốn thưởng cho bản thân một thứ gì đó để xoa dịu tâm trạng: một cặp tai nghe mới, chiếc áo sơ mi bạn đã thích từ lâu, hay cái bánh ngọt trên quảng cáo bạn vừa lướt đến.
Ở một khía cạnh, đây là "liều thuốc" vô hại, thậm chí hiệu quả. Nhưng, bạn nên nhớ rằng việc ra quyết định dựa trên cảm xúc thuần túy là cơ hội để mua sắm bốc đồng xen vào, khiến bạn hao hụt tiền mà không hay biết.
Trải nghiệm trong quá khứ
Một nguyên nhân khác của hiện tượng "mua không suy nghĩ" là sự thiếu hiểu biết về quản lý tiền bạc.
Nhiều người trẻ không được học về tiết kiệm từ sớm. Khi lớn lên, họ tạo ra thu nhập nhưng không biết làm thế nào để giữ nó hay sinh lời.
Khảo sát năm 2019 của CNBC cho rằng tình hình tài chính của gia đình và cách phụ huynh xài tiền ảnh hưởng lớn đến xu hướng chi tiêu của một người sau này.
Nói cách khác, nếu bạn lớn lên trong môi trường nơi mua sắm bốc đồng xảy ra thường xuyên, nhiều khả năng bạn cũng đều đặn rơi vào trường hợp đó khi trưởng thành.
Tin rằng mình đang mua với giá "hời"
Đây có lẽ là lý do phổ biến nhất. Các sàn thương mại điện tử đã và đang tận dụng rất tốt tâm lý này để thúc đẩy người dùng chi tiền nhiều hơn.
Giống với ví dụ đầu bài, nhiều người cũng thường mua hàng vì "hoa mắt" trước voucher giảm giá và các deal freeship hấp dẫn.
Chúng ta cân đo đong đếm rồi trả tiền với niềm tin mình mua được hàng xịn giá rẻ. Đến khi đem về và không sử dụng, ta mới nhận ra bản thân kỳ thực chỉ mua vì "một phút bốc đồng".
Hạn chế mua sắm ngẫu hứng như thế nào?
Niềm vui từ mua sắm bốc đồng là thực, nhưng nó sẽ nhanh qua một khi ta nhận ra mình vừa lãng phí tiền mồ hôi nước mắt cho những điều phù phiếm.
Hành vi ấy xuất phát từ việc chi không tính toán. Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ túi tiền là bạn dành riêng một phần thu nhập cho mua sắm, và giới hạn bản thân chỉ được dùng trong khoản đó.
Ngoài ra, Nerd Wallet gợi ý:
- Dừng lại một chút trước khi trả tiền cho một món nào đó, tự hỏi mình sẽ dùng nó vào việc gì với tần suất bao nhiêu.
- Lên danh sách cần mua và cầm khoản tiền tương ứng khi đi siêu thị hay trung tâm thương mại.
- Cẩn thận với những email quảng cáo từ nhãn hàng. Bạn có thể hủy bớt để tránh bị spam và "cám dỗ" chi tiền.
- Đừng mua hàng lúc đang quá vui hay quá buồn, cũng không nên mua chỉ vì sale, vì rẻ.
- Hạn chế so sánh cuộc sống của mình với người khác.
- Đặt mục tiêu tiết kiệm cụ thể như trả nợ, đổi xe, tích lũy mua nhà,... và nghĩ đến chúng mỗi khi cơn bốc đồng kéo đến.