Theo BCTC kiểm toán năm 2022 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối năm, tổng nợ phải trả của EVN là 440.814 tỷ đồng trong đó tổng nợ vay tài chính (ngắn hạn và dài hạn) là 324.000 tỷ đồng.
Trong hơn 276.000 tỷ vay dài hạn, công ty mẹ chiếm ½ tổng dư nợ với 132.446 tỷ, Tổng công ty điện lực miền Bắc vay hơn 36.400 tỷ đồng; Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia vay gần 38.900 tỷ đồng; Tổng Công ty phát điện 2 – CTCP vay hơn 10.900 tỷ đồng…
Tập đoàn cũng cho biết các khoản vay dài hạn hiện là vay từ các tổ chức tài chính hoặc vay lại từ Bộ Tài chính. Phần lớn các khoản vay này có lãi suất thả nổi và tài sản đảm bảo (nếu có) là các tài sản hình thành từ vốn vay. "Trong năm 2022, Tập đoàn cũng đã ghi nhận khoảng 890 tỷ đồng chi phí lãi vay vào chi phí đầu tư xây dựng cơ bản", BCTC ghi.
Với dư nợ vay tài chính này, EVN năm qua ghi nhận hơn 14.504 tỷ đồng chi phí lãi vay. Tương đương, mỗi ngày Công ty phải chi 40 tỷ đồng trả lãi vay.
Ngoài khoản vay tài chính, EVN còn đang ghi nhận khoản phải trả người bán ngắn hạn với tổng giá trị hơn 79.143 tỷ đồng (tăng 16.400 tỷ đồng so với đầu năm). EVN cho biết khả năng trả nợ là 100%.
Dù vậy, mới đây, tại buổi làm việc giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN ) và Tổng Công ty điện lực Dầu khí Việt Nam PV Power (POW ), phía POW nhấn mạnh đang gặp khó khăn trong việc thu hồi công nợ từ EVN . Đơn vị này cho biết số nợ tồn đọng đã xấp xỉ 13.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản phải trả người bán ngắn hạn là các bên liên quan lên đến hơn 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn nhất được ghi tại Thuyết minh số 33 nhưng BCTC của EVN không có thuyết minh số 33.
Về kinh doanh, năm 2022 EVN công bố khoản lỗ sau thuế 20.747 tỷ đồng, trong khi năm 2021 doanh nghiệp lãi 14.725 tỷ đồng.
Trước đó, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên (Phú Yên) đã đặt vấn đề hiệu quả hoạt động kinh doanh của EVN khi năm 2022 công ty báo lỗ 26.000 tỷ đồng và xin điều chỉnh tăng giá điện tới 8 lần nhưng vẫn tiếp tục báo lỗ. Trong khi, các công ty con công bố lợi nhuận cao trong năm 2022. Nếu nói rằng EVN lỗ do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này.
Giải đáp vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương đã nêu lý do xuất phát từ nguyên tắc vận hành thị trường. Trong đó, EVN là nơi mua duy nhất, đóng vai trò mua hộ, phải mua với chi phí cao trong khi giá bán điện tới khách hàng được điều tiết.
Phía Bộ cũng nói thêm, EVN không phải người mua duy nhất, khách hàng phải chịu giá điện cao từ đơn vị sản xuất. Đơn cử, nếu vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, theo thiết kế, các nhà máy phát điện được chọn bán cho khách hàng trực tiếp.
Như vậy, nếu khách hàng mua điện của nhà máy sản xuất giá cao bằng dầu, khí, họ phải tự trả đúng giá, không ai mua hộ và bán với giá thấp nữa. Đấy là nguyên tắc của thị trường bán lẻ cạnh tranh.