Trong bộ phim tài tài liệu Future of… của Netflix, kết hợp cùng The Verge sản xuất, tác giả cho biết mỗi người dùng sản sinh ra 1,7 MB dữ liệu/giây. Không chỉ rác thải vật lý cần được tiêu hủy, lượng “rác thải số” này cũng là một vấn đề quan trọng, nhất là sau khi chủ nhân của chúng qua đời.
Những dữ liệu chúng ta tạo ra nằm ở tài khoản mạng xã hội, lịch sử tìm kiếm, luồng email, tin nhắn, bài đăng. Ngay cả khi người dùng qua đời, toàn bộ phần thông tin này vẫn được lưu trữ.
Trong thời kỳ đầu của mạng xã hội, Facebook xóa toàn bộ dữ liệu tài khoản người dùng khi họ qua đời. Tuy nhiên, sau vụ thảm sát ở trường Virginia Tech năm 2007, chính sách được thay đổi. Cụ thể, người nhà của các nạn nhân yêu cầu nền tảng phải giữ lại tài khoản.
Bà Elaine Kasket, tác giả sách về cái chết và di vật số cho rằng bên cạnh những ngôi mộ vật lý, dữ liệu trên Facebook, Instagram cũng trở thành nơi để lưu trữ những kỉ niệm và tình cảm với người đã khuất.
Theo dữ liệu của báo cáo Bigdata & Society 2019, nhà nghiên cứu ước tính số tài khoản Facebook của người đã chết sẽ vượt mặt người còn sống vào năm 2100. Theo The Verge, việc xử lý dữ liệu của hàng tỷ người đã qua đời trở thành một nhiệm vụ quan trọng với các nền tảng mạng xã hội.
“Họ kiếm lợi từ lúc ta còn sống. Và họ vẫn có thể tiếp tục thu lời, ngay cả khi ta đã chết”, bà Kasket nói. Theo bà, điều đáng lo ngại là các nền tảng vốn hoạt động vì lợi nhuận này sẽ sử dụng dữ liệu của người dùng đã qua đời cho các mục đích quảng cáo mà họ không mong muốn.
The Verge cho rằng khi quyền kiểm soát dữ liệu thuộc về nền tảng, các công ty sẽ quyết định sử dụng chúng theo cách họ muốn.
Gần đây, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), người dùng tiến gần với việc tạo ra một trải nghiệm ảo, trò chuyện với người thân đã qua đời. Joshua Barbeau, một người đàn ông người Canada 34 tuổi cho biết đã trả tiền cho công cụ AI GPT-3 để nói chuyện với bạn gái đã mất.
Bằng cách cung cấp các đoạn tin nhắn cũ và bài đăng trên mạng xã hội Facebook, Barbeau có thể giúp máy học bắt chước được văn phong của người thân đã qua đời.
Những công nghệ này hiện được ứng dụng tại Hollywood. Nó được áp dụng để tái tạo giọng của đầu bếp, nhà phê bình ẩm thực Anthony Bourdain trong một bộ phim tài liệu, sau khi ông tự sát.
Nhiều phân đoạn của Fast and Furious 7 cũng sử dụng công nghệ motion captures (ghi chuyển động) và deep fake để nhân bản diễn viên Paul Walker sau khi anh qua đời vì một tai nạn giao thông, trước khi bộ phim hoàn thành.
Tuy nhiên, những công nghệ này cũng làm dấy lên tranh luận về mặt đạo đức, khi sử dụng danh tính của người đã qua đời.
“Hiện giờ, ta đã có thể đưa những hình ảnh ba chiều hoặc lên phim những người đã khuất và cho họ nói những điều chưa từng nói”, Charles Isbell, Trưởng khoa Khoa học Máy tính tại Đại học Georgia Tech chia sẻ quan điểm.
Ông Charles Isbell lo ngại việc hình ảnh, giọng nói, cử chỉ của bản thân bị khai thác để đại diện cho thứ bản thân lúc còn sống không hề liên quan.