Nội dung chính:
- Lợi nhuận của VEAM trong quý III/2023 tiếp tục đến chủ yếu từ các công ty liên kết như Honda, Toyota, Ford tại Việt Nam.
- Tiền gửi ngắn hạn của VEAM đạt 18.482 tỷ đồng vào cuối quý III/2023, mang lại cho VEAM 875 tỷ đồng tiền lãi.
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM - UPCoM: VEA) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với khoản lợi nhuận sau thuế đạt 1.540 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, công ty lãi 4.722 tỷ đồng sau thuế, giảm 8% so với cùng kỳ 2022.
Lợi nhuận của VEAM vẫn chủ yếu đến từ các công ty liên kết, đặc biệt là Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam, những doanh nghiệp “đẻ trứng vàng” đều đặn cho VEAM.
Trong 9 tháng đầu năm, VEAM thu về 4.031 tỷ đồng tiền lãi từ các công ty liên doanh liên kết, giảm gần 600 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022. Đây vẫn là nguồn thu chính của VEAM trong nhiều năm trở lại đây.
Mặc dù đã cổ phần hóa, Bộ Công Thương hiện vẫn nắm giữ trên 88% cổ phần của VEAM và nhận cổ tức đều đặn từ công ty. VEAM chia cổ tức bằng tiền mặt hàng năm với tỷ lệ xung quanh 40 - 50%/năm. Riêng Bộ Công Thương mỗi năm nhận về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức từ VEAM.
Tính đến cuối quý III/2023, VEAM gửi ngắn hạn ngân hàng tới 18.482 tỷ đồng, tăng gần 5.900 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tiền gửi ngắn hạn này mang lại cho công ty tới 875 tỷ đồng tiền lãi trong 9 tháng, tương đương mỗi tháng gần 100 tỷ đồng.
Ngoài các khoản tiền gửi ngắn hạn mang lại hàng trăm tỷ đồng tiền lãi, VEAM vẫn còn 585 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi không thời hạn, tăng gần gấp đôi so với số dư đầu năm.
Trong hai năm trở lại đây, nhiều lãnh đạo, cựu lãnh đạo của VEAM đã bị khởi tố và kết án do vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo khoản 3 điều 219 Bộ luật Hình sự.
Mới đây, vào giữa tháng 9/2023, ông Hồ Mạnh Tuấn, khi đó đang là Phó Tổng giám đốc VEAM đã bị khởi tố cũng với tội danh này. Đầu tháng 10, cựu giám đốc VEAM, ông Nguyễn Thanh Giang tiếp tục bị khởi tố với cùng tội danh.