Theo báo cáo tài chính bán niên 2022 đã soát xét, ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) ghi nhận hàng chục khách hàng là bên liên quan có phát sinh giao dịch với giá trị lớn.
Một trong các cái tên đáng chú ý có Công ty cổ phần Dịch vụ Di động trực tuyến (M_Service) – chủ sở hữu ví điện tử MoMo. Tại cuối tháng 6, tổ chức này gửi hơn 36 tỷ đồng không kỳ hạn ở Techcombank.
Còn với dạng tiền gửi có kỳ hạn, M_Service cũng gửi khoảng 50 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 950 tỷ đồng hồi đầu năm. Điều này là do tổ chức này nộp vào 320 tỷ nhưng lại rút ra tổng cộng 1.220 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Với các biến động về số dư tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn trên, Techcombank ghi nhận đã trả khoảng 3 tỷ đồng tiền lãi cho chủ sở hữu MoMo.
Techcombank bắt đầu ghi nhận các giao dịch với M_Service từ quý II/2020 với khoản tiền gửi không kỳ hạn trị giá 1,7 tỷ đồng và tăng mạnh giao dịch lên hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2021.
Thuyết minh báo cáo tài chính của Techcombank cho biết M_Service có thành viên HĐQT hoặc Hội đồng thành viên hoặc Ban lãnh đạo hoặc Ban kiểm soát là thành viên trong HĐQT hoặc Ban lãnh đạo hoặc Ban kiểm soát của ngân hàng.
Cụ thể, ông Saurabh Narayan Agarwal - Thành viên HĐQT Techcombank cũng đồng thời được biết tới là Thành viên HĐQT của M_Service.
Đây là nhân sự cũng có mối liên quan đến Warburg Pincus - quỹ đang đầu tư vào cả Techcombank và M_Service. Hiện ông này là Giám đốc tư vấn tài chính và quản lý của Warburg Pincus và là đại diện của quỹ đứng tên trong ban lãnh đạo Techcombank, M_Service.
Vào tháng 3/2018, Warburg Pincus công bố khoản đầu tư hơn 370 triệu USD vào Techcombank thông qua 2 nhà đầu tư pháp nhân độc lập.
Đến tháng 1/2019, MoMo cũng thông báo được Warburg Pincus rót vốn cao nhất trong vòng gọi vốn Series C, tuy nhiên giá trị đầu tư cụ thể không được tiết lộ.
Ngoài M_Service thì một bên liên quan khác là nhóm Masan Group cũng có giao dịch rất khủng tại Techcombank. Nhóm liên quan này là bên có số dư tiền gửi có kỳ hạn lớn nhất với hơn 1.870 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm qua, nhóm Masan Group gửi thêm 11.910 tỷ đồng và ngược lại rút ra 14.249 tỷ đồng. Trong kỳ, Techcombank phải trả hơn 24 tỷ đồng tiền lãi cho bên liên quan này.
Trong khi đó các thành viên Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban lãnh đạo và các cá nhân liên quan khác cũng đang gửi tiền có kỳ hạn tổng cộng hơn 710 tỷ đồng tại ngân hàng tư nhân này.
Theo báo cáo kinh doanh nửa đầu năm, Techcombank thu về hơn 21.100 tỷ đồng tổng thu nhập, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn thu từ hoạt động tín dụng mang về cho ngân hàng 15.900 tỷ, tăng 25% so với cùng kỳ và chiếm hơn 75% tổng thu nhập.
Mặc dù chi phí hoạt động tăng 24% so với cùng kỳ nhưng chi phí dự phòng kỳ này đã giảm 56% nhờ được hoàn nhập. Do vậy, ngân hàng báo lãi trước thuế trên 14.100 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước.
Đến cuối tháng 6, Techcombank có hơn 321.600 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, tăng 2,2% so với đầu năm. Trong đó tiền gửi có kỳ hạn đạt 169.000 tỷ đồng và số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 152.700 tỷ.