Trong đó, EIB giảm mạnh nhất khi mất 26% chỉ trong một tuần. Thị giá EIB đóng cửa ngày 11/11 còn 24.150 đồng/cp, thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Cổ phiếu này có đến 4 phiên giảm sàn và gần giảm sàn trong tuần qua với thanh khoản đột biến ở phương thức thỏa thuận.
Trong ngày 10/11, hơn 79,7 triệu cp EIB đã được sang tay giữa các nhà đầu tư theo phương thức thỏa thuận, giá trị tới gần 3.200 tỷ đồng. Tương tự, phiên 9/11 cũng có hơn 11 triệu cp được giao dịch, giá trị hơn 332 tỷ đồng.
Mã ngân hàng “bốc hơi” mạnh tiếp theo là KLB khi giảm 19% trong tuần qua. Thanh khoản KLB vẫn rất thấp, chẳng hạn như phiên 8/11 chỉ có 895 cp được khớp lệnh, phiên cao nhất là ngày 11/11 cũng chỉ có hơn 7.800 cp.
Ngoài 2 cổ phiếu trên, hàng loạt mã khác giảm trên 10% trong tuần qua như PGB (-12,6%), ABB (-12,3%), VIB (-11,4%), VBB (-11,2%), SHB (-11,1%), MSB (-10,9%), MBB (-10,6%), TCB (-10,6%),....Ngoài ra, nhiều cổ phiếu khác cũng giảm nhưng với mức độ nhẹ hơn như VPB (-3,8%), CTG (-3,7%),…
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại vẫn có 5 cổ phiếu tăng giá là BID (8,1%), VCB (5,2%), NVB (3,7%), ACB (3,2%) và SGB (0,8%). BID ghi nhận 3 phiên tăng mạnh dù thị trường lao dốc trong tuần qua, giúp cổ phiếu này trở về vùng giá 36.000 đồng/cp. Cùng với VCB (75.500 đồng/cp), đây là 2 mã ngân hàng còn lại có thị giá trên 30.000 đồng/cp hiện nay.
Hiện VCB là cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, đạt hơn 357 nghìn tỷ đồng. BID đứng thứ 5 với giá trị vốn hóa đạt 182 nghìn tỷ.
Khối ngoại mua ròng 15 cổ phiếu ngân hàng trong 5 phiên vừa qua. Trong đó, CTG được mua ròng 6 triệu đơn vị, STB hơn 5 triệu đơn vị và BID hơn 4,4 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài “xả” mạnh nhất HDB trong nhóm ngân hàng khi bán ra 6,7 triệu cp nhưng mua vào chỉ 4,1 triệu cp, tương đương bán ròng hơn 2,6 triệu cp, giá trị 37,7 tỷ đồng.
Thanh khoản toàn ngành tăng mạnh trong 2 phiên cuối tuần (10-11/11) với giá trị khớp lệnh đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với trung bình 3 phiên trước.
STB có thanh khoản cao nhất, đạt gần 2.500 tỷ đồng trong nhóm ngân hàng tuần qua. Tiếp đến là VPB (hơn 1.700 tỷ đồng), CTG (1.000 tỷ đồng), MBB (1.000 tỷ đồng),…
Ở phương thức thỏa thuận, ngoài EIB có giao dịch đột biến như đã đề cập ở trên, một số cổ phiếu khác cũng có giao dịch “khủng”. Chẳng hạn như TCB ghi nhận hơn 25 triệu cp được trao tay giữa các nhà đầu tư theo phương thức này, giá trị 669 tỷ đồng, trong đó riêng phiên 10/11 là 307 tỷ đồng. Ngoài ra MSB cũng có hơn 27,2 triệu cp được giao dịch, giá trị hơn 341 tỷ đồng.