Ngày 6/1/2023 tới đây, 3 triệu cổ phiếu CK8 của CTCP Cơ khí 120 sẽ giao dịch trên thị trường UPCoM, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 3.500 đồng/cp.
Đáng chú ý, trong thông báo mới nhất từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, ngày 6/1 cũng chính là ngày cổ phiếu CK8 bị đưa vào diện chứng khoán bị hạn chế giao dịch. Toàn bộ 3 triệu cổ phiếu CK8 chỉ được phép giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần trên sàn UPCoM.
Lý do đưa ra là bởi công ty bị âm vốn chủ sở hữu ghi nhận tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Ghi nhận tại thời điểm kết năm tài chính 2021, vốn chủ sở hữu của Cơ khí 120 ghi nhận âm 15,5 tỷ đồng. Con số này trong năm trước đó là âm gần 16 tỷ.
Được biết Cơ khí 120 được thành lập từ cổ phần hoá từ Nhà máy Cơ khí 120 được thành lập tháng 7/1947 trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam. Ngày 31/10/2007 công ty hoạt động theo hình thức CTCP với vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng.
Sản phẩm kết cấu thép là lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ yếu của Cơ khí 120. Bên cạnh lĩnh vực sản xuất kết cấu thép mạ kẽm nhúng nóng, Công ty còn phát triển trong lĩnh vực sửa chữa xe máy công trình, xây dựng các công trình giao thông, các công trình dân dụng.
Về chỉ số kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của CK8 đạt gần 5 tỷ đồng tăng 1,43% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận gộp đạt gần 3,2 tỷ đồng giảm 1,82% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện, Cơ khí 120 có 4 cổ đông lớn là TCT Công nghiệp Ô tô Việt Nam – CTCP (45,53%); CTCP Chứng khoán Bảo Việt (10%); ông Lê Huy Hoàng (5,03%) và bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (5,05%).
Trên thực tế, các quy định để đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM có phần dễ dàng hơn nhiều so với niêm yết trên HoSE hay HNX. Do đó việc doanh nghiệp mang theo những khoản thua lỗ khi chào sàn không phải là hiếm.
Mới đây nhất, “kỳ lân công nghệ” VNG dự kiến sẽ đưa 35,8 triệu cổ phiếu mã VNZ lên giao dịch trên sàn Upcom từ ngày 5/1/2023. Mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VNZ là 240.000 đồng/cp. Nếu tính theo mức giá này, VNG có vốn hóa 8.592 tỉ đồng (tương đương chưa đến 350 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức định giá tỉ đô trước đây của VNG).
Đáng chú ý, trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2022, VNG lỗ sau thuế 764 tỷ đồng, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 419,3 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ đến từ khoản đầu tư vào CTCP Zion (đơn vị sở hữu ví điện tử ZaloPay) và CTCP Tiki.