The Wall Street Journal (WSJ) nhận định, khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trông chờ vào việc giá năng lượng tăng vọt và niềm tin sụt giảm sẽ ảnh hưởng tới các công ty châu Âu, suy yếu sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev.
Một năm trôi qua, nhiều công ty châu Âu đã vượt qua cú sốc sau khủng hoảng năng lượng và chuyển hướng kinh doanh sang thị trường Mỹ thân thiện hơn.
Bất ngờ với sự chuyển đổi của các công ty Đức
Bởi Đức nổi tiếng là trung tâm của các nhà sản xuất phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga, sự chuyển đổi của các công ty này khiến nhiều người bất ngờ.
Một trong những công ty có sự chuyển dịch ngoạn mục là Claas KGaA mbH, nhà sản xuất máy móc nông nghiệp với doanh thu hàng năm khoảng 5,4 tỷ USD với khoảng 12.000 nhân viên.
Trước khi quân đội Nga tiến vào Ukraine, 1/4 doanh số bán hàng của Claas nằm ở Trung và Đông Âu , bao gồm cả Nga. Công ty này có một văn phòng kinh doanh lớn ở Ukraine và một nhà máy ở thành phố Krasnodar (Nga), cách Crimea 150 dặm về phía đông.
Tuy nhiên, thay vì siết chặt chi tiêu, công ty đã cắt giảm sản xuất ở Nga và Trung Quốc và tăng sản lượng tại nhà máy chính ở Đức lên 30%. Claas cũng giảm mức tiêu thụ khí đốt gần 1/3 bằng cách thực hiện các thay đổi kỹ thuật đồng thời chuyển doanh số bán hàng từ Nga sang châu Mỹ.
Claas đã báo cáo sản lượng hàng năm tăng 3% vào năm ngoái lên gần 5 tỷ euro. Doanh số bán hàng giảm 6% ở Trung và Đông Âu, bao gồm cả Nga, được bù đắp bằng mức tăng trưởng doanh số 35% ở châu Mỹ.
Giám đốc điều hành Claas, Thomas Böck, cho biết những thay đổi do chiến sự ở Ukraine gây ra sẽ không biến mất. "Bài học ở đây là chúng tôi đang chuyển sang trạng thái bình thường mới."
Sự thay đổi của Claas
Chiến lược xoay trục của Claas bắt đầu vào buổi sáng ngày 24/2/2022 - ngày Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Hôm đó, Thomas Böck bị đánh thức lúc 4 giờ sáng bởi một cuộc gọi từ một trong những người quản lý. Vấn đề ngay trước mắt của ông khi ấy là cải tổ hoạt động của công ty ở Ukraine và Nga.
Vấn đề tiếp theo mà công ty phải đối mặt là khi Moscow bắt đầu cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Ban lãnh đạo của Claas nhận ra rằng, công ty sẽ không bị đóng cửa do nó nằm gần với trung tâm khí đốt của châu Âu ở Hà Lan.
Tuy nhiên, các giám đốc điều hành vẫn phát triển một kế hoạch dự phòng cho phép công ty hoạt động trơn tru khi nguồn cung khí đốt giảm tới 30%. Công ty cũng đã dự trữ 2 triệu lít dầu. Đồng thời, chi 300.000 euro để xây dựng các bể chứa khí hóa lỏng và và ký hợp đồng mua khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) vận chuyển bằng xe tải từ Hà Lan.
Khi giá khí đốt tăng lên gần 20 lần so với năm 2021, các nhà sản xuất linh kiện trên khắp nước Đức buộc phải giảm sản lượng. Điều này ảnh hướng tới nguồn cung các linh kiện của Claas.
Claas lúc này lại phát triển phần mềm để theo dõi các vấn đề tại hàng trăm nhà cung cấp của mình, sử dụng dữ liệu để đưa ra các dự báo dài hạn về nơi có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt.
Để cắt giảm hóa đơn năng lượng, công ty đã thực hiện những thay đổi: chuyển hệ thống chiếu sáng sang đèn LED, giảm hệ thống sưởi và loại bỏ nước ấm trong một số phòng vệ sinh, và một số phòng khác. Xung quanh nhà máy lắp đặt các bộ đếm lượng năng lượng đang được tiêu thụ. Nhân viên được khuyến khích tiết kiệm năng lượng bằng cách được thưởng tiền.
Theo dữ liệu của cơ quan quản lý năng lượng Đức, trên khắp nước Đức, những nỗ lực như vậy đã cắt giảm khoảng 1/4 mức tiêu thụ năng lượng của quốc gia này.
Bám vào thị trường Mỹ
Một trong những hậu quả lớn nhất của chiến sự Ukraine đối với Claas là việc vẽ lại bản đồ khách hàng toàn cầu. Công ty vẫn vận hành nhà máy ở Nga nhưng đã bỏ khoản đầu tư trị giá 40 triệu euro ở đó. Trong khi lùng sục các thị trường thay thế vào năm ngoái, các giám đốc điều hành nhìn thấy rằng châu Mỹ, đặc biệt là thị trường Mỹ đang bùng nổ.
Claas nhận định, nông dân Mỹ vẫn có thể hưởng lợi từ các khoản trợ cấp từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, trong khi giá trị của đồng đô la tăng cho phép Claas đưa ra mức giá thấp hơn so với các đối thủ tại địa phương.
Không thể phụ thuộc vào 1 quốc gia
Chuỗi cung ứng toàn cầu của Claas cũng rất khác so với một năm trước. Công ty đã chuyển một số quy trình ra khỏi Trung Quốc, quay trở lại Harsewinkel.
Claas hiện mua các bộ phận của máy gặt đập liên hợp và bộ xử lý ống lồng ở Cộng hòa Séc, Ba Lan và Romania. Các bộ phận kim loại lớn giờ được lắp ráp sẵn ở Czech, Ba Lan và Romania. Các nhà máy của Claas ở Đức vẫn chạy chủ yếu bằng khí đốt, nhưng là khí đốt từ Anh và Na Uy.
Dù đã nỗ lực trở mình, Claas không hoàn toàn bình yên. Các giám đốc điều hành cho biết, một số quy trình hiện đang đắt đỏ hơn, điều này đã ảnh hưởng đến khả năng sinh lời và giảm khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, bài học mà Claas đã có cho riêng mình trong những năm vừa qua là "Không thể lệ thuộc vào 1 quốc gia," ông Böck, Giám đốc điều hành công ty cho biết.