Nêu nguyên nhân khiến không ít người dân "cắn răng" vay "tín dụng đen" tại Đối thoại chuyên đề: "Phát triển thẻ tín dụng nội địa: Con đường tiếp cận tài chính toàn diện" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 31/8, ông Hồ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Cổ Phần Tín Việt (VietCredit), cho hay khi khảo sát đối tượng khách hàng yếu thế, chúng tôi nhận ra rằng hầu hết các công nhân đi làm xa nhà, xa quê, đều không có người thân ở cạnh.
Người thân của họ ở quê, làm nghề nông nhiều vất vả, gian khó nên cũng khó có điều kiện để cho vay mượn khi cần thiết.
Vì đâu sa vào bẫy "tín dụng đen"?
Theo Tổng Giám đốc Công ty VietCredit, những người công nhân, người yêu thế không vay mượn được người thân, lại ngại tiếp xúc với các tổ chức tín dụng nên mang nặng tâm lý mình là khách hàng không được phục vụ hoặc không được đón chào ở ngân hàng.
Họ đành lựa chọn những gì gần nhất, những gì thấy dễ nhất từ những lời mời quảng cáo dán ngay trước cửa nhà mình, nên dễ rơi vào bẫy "tín dụng đen".
Vì vậy, VietCredit lựa chọn việc đẩy mạnh chiến lược phát triển thẻ nội địa, thậm chí kèm theo tham vọng “mỗi người dân Việt Nam một thẻ tín dụng nội địa”, cùng chung tay đẩy lùi tín dụng đen.
Ông Hồ Minh Tâm cho biết thông điệp đầu tiên khi khách hàng tiếp cận dịch vụ là "an tâm như vay người thân", bởi tổ chức tín dụng không phải là điều gì xa rời, khó khăn, quan liêu hay rườm rà mà thực sự rất đơn giản, giống như khi khách hàng cần tiền, người đầu tiên luôn hỏi tới là người thân của mình, là ba mẹ, anh chị em…
Tuy nhiên, "khách hàng cần cân nhắc vay trong khả năng chi trả và sử dụng đồng tiền đúng mục đích", ông Tâm lưu ý. Bởi thực tế chỉ có những khách hàng sử dụng đồng tiền đúng mục đích chính đáng, mới những khách hàng có hành vi trả nợ tốt và ngược lại.
Do đó, công ty luôn luôn khuyến khích khách hàng hãy vay nhưng hãy vay trong một hạn mức vừa phải và sử dụng đồng tiền được vay vào những mục đích thiết thực.
ĐẾN VỚI NHỮNG NGƯỜI TỪNG BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU
Bắt tay phát triển thẻ tín dụng nội địa từ năm 2017, ngay từ đầu, VietCredit quyết tâm tập trung vào phân khúc khách hàng "blue color" - khách hàng công nhân và dần hướng sự tập trung vào tệp khách hàng "white color" - dân văn phòng. Với những nhân viên vừa mới ra trường, thuộc phân khúc thu nhập chưa cao, dao động 7 - 12 triệu đồng.
Tựu trung, theo ông Tâm, phân khúc khách hàng mà VietCredit nhắm tới có hai đặc điểm chung.
Thứ nhất, khách hàng có nhu cầu vay trước và trả sau; có thu nhập ổn định nhưng đồng lương hiện tại chưa đủ tích lũy để có thể mua những họ cần ngay bây giờ và cho phép trả dần sau này. Tổng Giám đốc VietCredit đánh giá đây là nhu cầu hoàn toàn thiết thực với dân số trẻ, các quốc gia phát triển khác cũng đều có nhu cầu này.
Thứ hai, nhu cầu chi tiêu cho những khoản phát sinh đột xuất, bất ngờ.
Rõ ràng, hiện nay với những cách tiếp cận từ phía các tổ chức tín dụng, đâu đó chưa có nhiều sản phẩm giải quyết nhu cầu rất lớn này, lại có những khách hàng không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các ngân hàng.
Vậy làm thế nào để có thể vay tiền hoặc có ngay một khoản tiền để xoay xở những khoản chi tiêu phát sinh đột xuất?
"VietCredit thấy được tiềm năng cũng như nhu cầu thực tế của thị trường nên xác định thẻ tín dụng là sản phẩm rất phù hợp với nhóm khách hàng này cũng như đáp ứng nhu cầu cấp bách của một lượng lớn người dân", ông Tâm khẳng định.
"Sau 4 năm phát triển và kinh doanh thẻ tín dụng nội địa, đến hiện tại, VietCredit tự tin chiếm thị phần lớn nhất trong mảng thẻ tín dụng nội địa, với việc phát hành được hơn 400.000 thẻ tín dụng nội địa trên toàn quốc", Tổng Giám đốc VietCredit nói.
Cũng tại buổi đối thoại chuyên đề, người đứng đầu VietCredit cũng chia sẻ cách thức để duy trì được một danh mục khách hàng có chất lượng.
Đó là, nếu chỉ áp dụng bộ chấm điểm tín dụng A-score, xét duyệt hồ sơ là chưa đủ mà phải cần sự kết hợp rất chặt chẽ giữa 3 bộ chấm điểm tín dụng, gồm cả B-score, dựa trên dữ liệu của khách hàng sau khi vay vốn, họ thanh toán ở đâu, mua gì, tần suất mua bao nhiêu…; C-score, dựa trên hành vi trả nợ của khách hàng. Cùng với những quy trình khác và việc tương tác với khách hàng, sẽ duy trì được một danh mục khách hàng có chất lượng.
Hoàn hảo hơn là sử dụng dữ liệu và những công nghệ tân tiến như trí thuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning) vào cả 3 mô hình trên sẽ chọn lọc được những khách hàng chất lượng và hạn chế rủi ro tín dụng.
Đồng thời, theo khuyến cáo của Tổng Giám đốc VietCredit, khách hàng khi gặp khó khăn gây chậm trễ thanh toán thì nên thổ lộ, chia sẻ một cách chân thành để công ty có thể áp dụng những biện pháp phù hợp như giãn nợ, giảm lãi, ân hạn gốc… khi xác thực được thông tin chính xác từ phía khách hàng.