Ngày 3/10, CTCP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cadovimex (mã CK: CAD) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Trong nghị quyết của đại hội, phần kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2022 của Cadovimex có một nội dung là hoàn tất thủ tục pháp lý để mở thủ tục phá sản cho công ty, trong quá trình thực hiện tìm kiếm nguồn lực mới và nhà đầu tư có tiềm năng để thực hiện phương án phục hồi kinh doanh cho công ty để phù hợp theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trước đó, năm 2021, công ty đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường và thống nhất thông qua phương án mở thủ tục phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi của người lao động và cổ đông công ty, tuy nhiên đến nay vẫn còn đang vướng mắc về mặt thủ tục thu hồi nợ đối với khách hàng nước ngoài.
Lỗ luỹ kế hơn 1.400 tỷ đồng
Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu Cadovimex đạt 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chi phí phát sinh trong kỳ quá lớn, đặc biệt là chi phí lãi vay hơn 47 tỷ đồng khiến cho Cadovimex lỗ hơn 53 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế tính đến 30/6/2022 lên tới 1.441 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của công ty là 1.266 tỷ đồng, tổng tài sản chỉ còn gần 20 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 1.246 tỷ đồng. Nợ đi vay từ các ngân hàng của Cadovimex là 429 tỷ đồng, doanh nghiệp còn cần phải trả lãi vay ngân hàng số tiền hơn 777 tỷ đồng.
Nguyên nhân kinh doanh bết bát
Cadovimex từng là một trong những doanh nghiệp có uy tín trong ngành thủy sản, nhưng tổng hợp nhiều nguyên nhân khác nhau tác động nên hiện đang trong giai đoạn xuống dốc nghiêm trọng về mọi mặt. Trải qua nhiều giai đoạn thay đổi lãnh đạo khác nhau nhưng vẫn không thể vực dậy được hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty do tồn đọng nhiều khó khăn từ những năm trước để lại.
Cadovimex cho biết do thời kỳ tiền nhiệm của ban lãnh đạo cũ của công ty (trước tháng 7/2017) để lại cho công ty nhiều khoản áp lực về mọi mặt nên Công ty luôn bị các cơ quan chức năng như Tòa Án, Thi Hành Án, các tổ chức tín dụng mời gọi làm việc. Vì vậy gây rất nhiều khó khăn trong hoạt động phát triển kinh doanh (đặc biệt là mất uy tín trên thị trường); dẫn đến không kêu gọi được nguồn vốn đầu tư để tái cơ cấu lại công ty.
Điều này thể hiện rõ qua việc cơ quan Thi Hành Án yêu cầu và bắt thực hiện thi hành bản án đã có từ những năm 2013; cao trào nhất của vụ việc đó là cơ quan Thi Hành Án đã tiến hành Cưỡng chế thành công và bán đấu giá tài sản là toàn bộ cơ sở vật chất thuộc Xí Nghiệp F72 của Công ty vào năm 2018 mặc dù Công ty đã tìm mọi cách để hòa giải nhưng không thành.
Từ đó làm giảm tổng sản lượng sản xuất của công ty, gây hoang mang tâm lý làm việc của CBCNV và công ty mất đi nhiều nhân sự giỏi có trình độ cao, đặc biệt là uy tín và sức cạnh tranh của công ty bị suy giảm một cách trầm trọng làm mất nhiều khách hàng chiến lược. Chính vì vậy mà việc tái cơ cấu lại công ty hiện đang khó khăn lại càng chồng chất khó khăn thêm và khó có thể tìm kiếm được nhà đầu tư yên tâm đầu tư vốn vào công ty.
Bên cạnh đó, những áp lực nợ tiền BHXH trước đây (từ năm 2013) khiến hàng tháng công ty phải chi lượng tiền này rất nhiều để khắc phục, cụ thể khoảng 600 triệu đã được chi nộp cho BHXH tỉnh Cà Mau trong năm 2021 để thanh toán tiền BHXH một lần cho CBCNV đã nghỉ hưu và đầu năm nay lượng công nhân đề nghị lại vẫn tiếp diễn, điều này ảnh hưởng rất lớn đến cân đối tài chính của Công ty.
Ngoài ra, công ty cho biết kết cấu nhà xưởng sản xuất đã được xây dựng và hoạt động gần 20 năm mà không được bảo dưỡng tu sửa tốt nên hiện đang xuống cấp cực kỳ nghiêm trọng. Kết cấu nhà xưởng sản xuất đã được xây dựng và hoạt động gần 20 năm mà không được bảo dưỡng tu sửa tốt nên hiện đang xuống cấp cực kỳ nghiêm trọng.iêm trọng.
Máy móc thiết bị và công nghệ đã đầu tư gần 20 năm hiện đã cũ và hư hỏng liên tiếp không có phụ tùng thay thế sửa chữa, chính vì vậy năng suất hoạt động không cao và tiêu hao điện năng rất lớn, từ đó giá thành nhận gia công không đem lại lợi nhuận cho Công ty.
Ngoài ra, tất cả cơ sở hạ tầng và máy móc thiết bị của Công ty đã được đem thế chấp cho các Ngân hàng để vay vốn lưu động từ những năm 2009 đến nay, hiện các cơ sở hạ tầng và máy móc thiết bị này đã xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí chỉ còn lại vỏ bọc bên ngoài hoặc là một cụm phế liệu không thể sử dụng được. Chính vì vậy rất khó khăn cho Công ty có thể gia tăng năng suất.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CAD hiện ở trong diện hạn chế giao dịch trên sàn UpCOM kể từ năm 2016 và chỉ được giao dịch vào mỗi thứ 6. Cổ phiếu CAD đang giao dịch ở mức 1.500 đồng/cp.