Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau (Mã chứng khoán: CMV) vừa công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chánh thanh tra Bộ Công Thương đối với doanh nghiệp.
Cơ quan quản lý xác định công ty đã có 2 hành vi vi phạm: Gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối và kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực. Số tiền phạt lần lượt là 50 triệu đồng và 90 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với lỗi giấy phép hết hiệu lực, công ty còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm từ tháng 1/2021 đến tháng 3/2022 với số tiền gần 8,7 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số tiền Thương nghiệp Cà Mau bị phạt và truy thu phải nộp vào ngân sách gần 9 tỷ đồng.
Các tình tiết tăng nặng là công ty vi phạm nhiều lần các hành vi trên. Tình tiết giảm nhẹ là công ty tự nguyện khai báo, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm và xử lý hành chính, tự nguyện khắc phục hậu quả.
Thương nghiệp Cà Mau được cổ phần hoá từ năm 2007 và hiện có vốn điều lệ 182 tỷ đồng. Công ty Thương mại & Dịch vụ Hưng Long là cổ đông nắm giữ lớn nhất 51%, tiếp đến là PV Oil sở hữu 16,17% vốn.
Công ty này lại sở hữu 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Bách Việt và Công ty Cổ phần In Bạc Liêu. Công ty kinh doanh ở nhiều ngành hàng như xăng dầu, hàng nông thuỷ sản, vật liệu xây dựng, hàng gia dụng....
Báo cáo kinh doanh nửa đầu năm cho thấy doanh thu tăng trưởng 16% lên 2.228 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 31% so với cùng kỳ đạt gần 21 tỷ đồng. Hiện quy mô tổng tài sản đạt gần 500 tỷ đồng.
Theo thống kê đến ngày 31/8, Bộ Công Thương đã ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 thương nhân đầu mối và công ty con với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng.
Ngoài xử phạt hành chính, lãnh đạo cơ quan này còn cho biết có 5 quyết định xử phạt bổ sung tước quyền kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu trong một tháng với 5 thương nhân đầu mối, do không đáp ứng được điều kiện của hệ thống phân phối theo quy định.
"Tuy nhiên, trước mắt Bộ sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính. Với hình thức tước giấy phép kinh doanh sẽ áp dụng vào một thời điểm phù hợp nhất", lãnh đạo Bộ Công Thương nói.
Các đơn vị bị tước giấy phép kinh doanh mới nhất gồm Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty Dầu khí TP.HCM, Công ty Xăng dầu Hùng Hậu và Dầu khí Đông Phương.
Nhự vậy, tính đến nay đã có khoảng 12 doanh nghiệp bị rút giấy phép kinh doanh có thời hạn sau đợt thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối. Hiện có 5 doanh nghiệp đã được trả giấy phép sau khi hết thời hạn xử phạt, 2 doanh nghiệp khác sẽ được hoàn trả giấy phép vào ngày 14/9.
Khi bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu thì các doanh nghiệp sẽ không còn quyền mua xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu và bán xăng dầu cho các đơn vị phân phối.