Hãng tin Reuters (Anh) trích dẫn số liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy, vụ sập mỏ than vừa xảy ra ở Nội Mông khiến 6 người thiệt mạng và 47 người mất tích là một trong những vụ tai nạn nghiêm trọng, góp phần làm tăng tổng số tai nạn do khai thác than của nước này trong hơn 1 năm gần đây.
Nguyên nhân của vụ sập mỏ than hiện vẫn đang được điều tra làm rõ.
Tham vọng lớn của Trung Quốc trong ngành khai thác than
Là nhà sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới, cuối năm 2021, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch thúc đẩy sản xuất than đá sau khi tình trạng thiếu nhiên liệu đã gây ra mất điện trên diện rộng.
Những nỗ lực này đã được đền đáp. Với sản lượng khai thác tăng 9% trong năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua mùa đông mà không bị gián đoán nguồn cung năng lượng do có nhiều kho dự trữ.
Giá than toàn cầu cũng tăng vọt và nguồn cung năng lượng trên thế giới bị gián đoạn sau sự kiện ở Ukraine cũng được đánh giá là lý do khiến Bắc Kinh phải cải thiện an ninh năng lượng.
Năm ngoái, Trung Quốc đã phê duyệt công suất khai thác than mới vào khoảng 260 triệu tấn đồng thời mở lại nhiều mỏ than bị bỏ hoang.
Trong năm nay, sản xuất than dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi nhiều mỏ mới được phê duyệt bắt đầu hoạt động. Sơn Tây và Nội Mông là 2 trung tâm khai thác than hàng đầu của Trung Quốc theo sản lượng, đã tuyên bố sẽ nâng sản lượng lên ít nhất 5% và 2%.
Điểm yếu trong vấn đề kiểm tra an toàn
Mặc dù, các mỏ than ở Trung Quốc được biết đến là những mỏ nguy hiểm nhất thế giới, nhưng các vụ tai nạn và số ca tử vong liên quan đến các mỏ này đã giảm dần trong thập kỷ qua tính đến năm 2021, khi Trung Quốc giảm khả năng khai thác, giảm đốt than và tăng cường kiểm tra an toàn, Reuters đưa tin.
Tuy nhiên, số liệu thống kê của Cơ quan quản lý an toàn khai thác (NMSA), Trung Quốc, công bố trong tháng này cho biết, số vụ tai nạn tại các mỏ than vào năm 2022 ở Trung Quốc tăng gần gấp đôi so với năm 2021 (từ 91 vụ năm 2021 lên 168 vụ tai nạn năm 2022). Số người thiệt mạng trong các vụ tai nạn mỏ than năm 2022 cũng đạt mức cao nhất trong 6 năm là 245 người, ngay sau lời kêu gọi tăng sản lượng than của Trung Quốc.
"Họ đã chủ quan trước các yêu cầu về an toàn và vội đáp ứng các mục tiêu sản xuất, thậm chí còn vi phạm các quy định vận hành để chạy quá công suất," NMSA chỉ ra.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay, mỏ lộ thiên ở Nội Mông bị sập trong tuần này đã bị đóng cửa trong 3 năm cho đến tháng 4/2021. Mỏ được mở cửa trở lại ngay khi giá than tăng vọt, đạt mức kỷ lục vào cuối năm.
Khi các đội cứu hộ tiếp tục tìm kiếm những công nhân mất tích, các quan chức ở Nội Mông và các tỉnh lân cận đã tiến hành kiểm tra an toàn các mỏ than khác để cố gắng ngăn ngừa tai nạn.
Đào sâu hơn
Trung Quốc đã sửa đổi luật hình sự vào năm 2021, trong đó có việc đưa ra các hình thức xử phạt đối với những quản lý tại các mỏ than gây ra tai nạn do sản xuất quá mức.
Tuy nhiên, NMSA cũng cho biết rằng, vào cuối năm 2021, các mỏ than sẽ không dễ rơi vào tình trạng đình chỉ sản xuất. Thay vào đó, khi có sự cố, các thanh tra sẽ được cử xuống để khắc phục tình trạng và quá trình khai thác tiếp tục được thực hiện.
Theo các chuyên gia, do than ở độ sâu thấp tại Trung Quốc đã cạn kiệt, các công ty khai thác buộc phải đào sâu hơn, gây ra những rủi ro lớn hơn.
Giáo sư ngành khai thác than tại Đại học Khoa học và Công nghệ An Huy, Yuan Liang cho biết: "Trung Quốc đang khai thác với tốc độ sâu hơn từ 10-25m mỗi năm, khiến các công ty khai thác phải đối mặt với các vấn đề khoa học và kỹ thuật phức tạp."