Thị trường chứng khoán vừa khép lại một tháng giao dịch đầy sóng gió với nhiều phiên trồi sụt mạnh. Kết thúc tháng 9, VN-Index giảm hơn 11,5% xuống 1.132 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 đến nay. Đồng thời, đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong một tháng của chỉ số trong vòng 30 tháng kể từ tháng 3/2020, thời điểm thị trường liên tục rơi sâu xuống đáy Covid.
Cú giảm sâu này khiến chứng khoán Việt Nam rơi vào nhóm các thị trường có hiệu suất "tệ" nhất thế giới trong tháng 9. Vốn hoá trên HOSE cũng bị thổi bay hơn 588.000 tỷ đồng còn khoảng 4,5 triệu tỷ đồng.
Việc Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) lần thứ 3 liên tiếp tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % cùng thông điệp tiếp tục thắt chặt tiền tệ đến khi kiểm soát hoàn toàn lạm phát đã tạo ra áp lực rút vốn trên các thị trường tài chính toàn cầu. Trước áp lực tỷ giá do đồng USD liên tục leo thang, Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định tăng mạnh một loạt lãi suất điều hành từ ngày 23/9 trong đó có lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất huy động tiền gửi...
Điều này được đánh giá là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán dù tăng trưởng GDP quý 3 của Việt Nam vẫn đạt mức cao 13,67% so với cùng kỳ, vượt mọi dự báo trước đó.
Dù vậy, trong bức tranh chung ảm đạm vẫn có những gam màu tươi sáng. Trong khi hàng loạt cổ phiếu miệt mài "dò đáy", nhiều cái tên vẫn ngược dòng bứt phá mạnh mẽ với mức tăng khá ấn tượng, thậm chí "tăng bằng lần" chỉ trong 1 tháng.
Thống kê tại sàn HOSE, 5 cổ phiếu tăng mạnh nhất đều có mức hiệu suất trên 20%.
Dẫn đầu là LEC của Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung (LEC) khi bứt phá 67% chỉ trong vòng 1 tháng. Trong bức tranh chung đầy u ám của nhóm cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu LEC lại nổi lên như một hiện tượng với hàng chục loạt phiên liên tiếp tăng trần. Cụ thể, LEC đã có 10 phiên tăng kịch trần từ 7.510 đồng (phiên 16/9) lên 14.550 đồng/cp (phiên sáng 30/9). Theo đó, thị giá mã này đã tăng gấp gấp đôi giá trị chỉ sau hơn 1 tuần giao dịch.
Trước đà tăng phi mã của cổ phiếu, ban lãnh đạo cho rằng các hoạt động kinh doanh của công ty vẫn đang diễn ra bình thường và không có biến động đặc biệt nào trong hoạt động của công ty. Theo đó, ban lãnh đạo cho rằng việc cổ phiếu tăng trần nhiều phiên liên tiếp là do cung cầu trên thị trường chứng khoán. Thực chất, tình hình kinh doanh của Bất động sản miền Trung không có gì nổi bật, thậm chí lỗ 1,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.
Dù không có mức tăng ấn tượng như LEC, song CTF của CTCP City Auto (CTF) cũng gây chú ý với mức tăng 15,25% trong 1 tháng qua. Trong khi thị trường chung liên tụt giảm sâu, CTF lại có màn lội dòng khá ấn tượng khi tăng điểm 10 phiên liên tiếp để cán mốc 23.050 đồng/cp. Tuy vậy, trước khi có nhịp hồi trong tháng 9, CTF cũng đã trải qua cú rơi khá mạnh khi mất đi gần 34% từ 27.800 đồng (18/7) xuống 18.400 đồng (16/9).
Trên thực tế, KQKD của doanh nghiệp trong ngành ô tô dần "hồi sức" sau dịch Covid cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của cổ phiếu. Trong quý 2/2022, doanh thu thuần của CTF đạt 1.594 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh với gần 24 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi hơn 800 triệu đồng.
Trong khi nhiều cổ phiếu ngân hàng "nếm mật nằm gai" khi đồng loạt giảm sâu, cổ phiếu EIB của Ngân hàng Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB) lại có màn lội dòng khá ấn tượng với mức tăng 12,5% trong tháng 9. Tuy mức tăng trên đã giảm đi đáng kể sau phiên "lau sàn" ngày 30/9, song EIB vẫn là mã ngân hàng có hiệu suất khá tốt trong tháng qua.
Một trong những yếu tố thúc đẩy đà tăng của EIB được cho là đến từ thông tin Eximbank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành 245 triệu cổ phiếu nhằm nâng mức vốn điều lệ lên mức 14.814 tỷ đồng và chi trả cổ tức theo tỷ lệ 20%. Đây cũng là lần đầu EIB thực hiện tăng vốn điều lệ từ năm 2012.
Thống kê trên sàn HNX, nhóm 5 cổ phiếu dẫn sóng trong tháng này có mức tăng khá tốt trên 25%.
Cổ phiếu NBW của Công ty Cổ phần Cấp nước Nhà bè (NBW)ghi nhận mức tăng khá ấn tượng trong tháng 9. Tuy biên độ tăng 65% trong vòng 1 tháng, song DPC có thanh khoản khá thấp, thậm chí có nhiều phiên không phát sinh giao dịch.
Trong bối cảnh thị trường chung nhiều biến động, dòng tiền thường có xu hướng "trú ẩn" tại những cổ phiếu mang tính phòng thủ như điện hoặc nước. Theo đó, những cổ phiếu có tình hình kinh doanh duy trì ổn định, cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm cũng là sự lựa chọn hấp dẫn nhà đầu tư trong thời điểm này.
Cũng lọt top những cổ phiếu tăng mạnh nhất trên HNX, CX8 của Công ty Đầu tư và Xây lắp Constrexim (CX8) cũng gây chú ý khi tăng 60% trong 1 tháng qua. Theo đó, 8 phiên liên tiếp tăng trần đã đẩy giá cổ phiếu lên 8.800 đồng. Tuy nhiên, nếu nhìn từ đầu năm đến nay có thể thấy đây chỉ là một đợt hồi nhỏ sau đợt giảm mạnh từ đỉnh của CX8. Cụ thể, cổ phiếu đã "chia 3" giá trị từ mức đỉnh xấp xỉ 13.000 đồng/cp vào đầu tháng 6 xuống còn 4.300 đồng giữa tháng 9. Với những nhịp phục hồi trong thời gian gần đây, thanh khoản của mã này cũng cải thiện mạnh khá tốt từ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu.
Thống kê tại UPCoM có biên độ rộng biên độ tăng giá của cổ phiếu cũng mạnh hơn so với hai sàn trên. Cụ thể, 5 mã tăng mạnh nhất trên UPCoM đều có biên độ tăng trên 80%.
Dẫn đầu bảng thống kê tại UPCoM là EPC của Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ea Pốk (EPC). Từ một cổ phiếu vô danh với thanh khoản "đóng băng" trong nhiều tháng liền, EPC bỗng "lớn nhanh như thổi" với mức tăng đến 320% chỉ sau 1 tháng.
Cổ phiếu tăng phi mã trong bối cảnh KQKD của doanh nghiệp không có gì khởi sắc, thậm chí thua lỗ. Về tình hình kinh doanh năm 2021, Cà phê Ea Pốk thu về 23,8 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 70% so với cùng kỳ năm 2020. Trong kỳ ghi nhận sự tăng lên của nhiều khoản chi phí như chi phí tài chính tăng 67% lên hơn 2 tỷ đồng, dẫn đến đơn vị lỗ sau thuế 19,2 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đề ra trong năm trước là lỗ 3,9 tỷ đồng.
Cổ phiếu CFV của Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi (CFV) cũng là một trong những cái tên đáng chú ý với đà tăng sốc, giảm sâu trong thời gian ngắn. Chuỗi tăng kịch trần hơn 23 phiên liên tiếp đã đưa cổ phiếu này từ mức 4.300 đồng leo lên 91.300 đồng/cp chỉ sau 1 tháng.
Trước những biến động lớn về giá cổ phiếu, lãnh đạo CFV cũng lên tiếng khẳng định ban lãnh đạo, người nội bộ không có bất kỳ tác động nào lên giao dịch cổ phiếu. Theo đó, công ty này còn đặt ra nghi vấn có một số cá nhân lợi dụng lỗ hổng của TTCK tác động đến giá cổ phiếu CFV vì động cơ cá nhân.
Ngay sau đó, cổ phiếu này cũng dừng đà tăng, chủ yếu đi ngang và gần như không có giao dịch. Sau 3 phiên liên tiếp giảm kịch sàn mới đây, cổ phiếu CFV giảm còn 55.400 đồng/cp. Như vậy, mã này đã mất đi 39% giá trị so với đỉnh, song tính chung cả tháng 9 vẫn ghi nhận mức tăng 144%.