8h sáng, Anh Thư (22 tuổi, TP.HCM) đến văn phòng làm việc. Sau khi chào hỏi đồng nghiệp, như thường lệ, việc tiếp theo cô làm là xuống quán nước bên dưới tòa nhà và mua một ly cà phê sữa giá 40.000 đồng.
Với mức lương khoảng 20 triệu đồng/tháng, món uống trên hoàn toàn nằm trong khả năng chi trả của cô - dù tiêu 40.000 đồng/ngày đồng nghĩa với việc Anh Thư mất 1,2 triệu đồng/tháng, và hơn 14 triệu đồng/năm.
Đức Huy (27 tuổi, TP.HCM) cũng có thói quen tiêu xài tương tự. Chia sẻ với Zing, Huy nói mỗi tháng anh đều trích 2 triệu đồng cho quần áo, giày dép mới. 5 năm như vậy, anh mua sắm hết 120 triệu đồng trong khi bạn bè đã dành dụm một khoản kha khá để tập tành đầu tư, kinh doanh riêng.
Những khoản chi như trên tuy không đáng kể, nếu tính tổng tiền trong một khoảng thời gian dài, chúng có thể khiến ta bất ngờ vì mức độ tốn kém.
Đó chính là hiệu ứng latte trong quản lý ngân sách. Muốn sớm đạt tự do tài chính, đây là yếu tố quan trọng cần lưu ý.
Hiệu ứng latte là gì?
Cụm từ hiệu ứng latte (latte factor) lần đầu xuất hiện trong cuốn sách cùng tên của David Bach, doanh nhân và tác giả người Mỹ thường viết về tài chính.
Quan điểm của Bach xoay quanh latte factor rất đơn giản. Cụ thể, ông cho rằng các chi phí nhỏ nhặt nhưng đều đặn như ly cà phê khiến chúng ta mất nhiều tiền hơn mình nghĩ, theo Retirehappy. Nếu loại bỏ, chúng ta có thể đủ tiền tiết kiệm và đầu tư sinh lời, từ đó nhanh chóng xây dựng sự giàu có.
Tác giả dùng cà phê latte giá 5 USD như một ví dụ. Bằng việc giữ lại 5 USD /ngày, bạn sẽ sở hữu thêm 1.825 USD /năm, tương đương với hơn 40 triệu đồng.
Khi đem số tiền này đi đầu tư hay gửi tiết kiệm, bạn có thể nhận lợi nhuận và dư dả về lâu dài nhờ lãi kép.
Ngoài cà phê còn gì?
Theo Forbes, hiệu ứng latte dù ngắn gọn nhưng vẫn tạo nên một số tranh cãi.
Không ít người cho một ly cà phê giá vài chục nghìn đồng là đắt, không thực tế; giả thuyết của Bach về lãi suất khi đầu tư chưa chính xác; hoặc lối sống cần kiệm như thế không phù hợp với Gen Z - thế hệ thích hưởng thụ và trải nghiệm.
Tuy nhiên, hiệu ứng latte thực ra không chỉ áp dụng với đồ uống. Bên cạnh cà phê, người trẻ hay tiêu tiền vào những món lặt vặt như quần áo, phí xem phim online, ăn vặt, đồ trang trí nhà cửa,...
Đa số chúng đều "không đáng bao nhiêu", nhưng trải qua nhiều năm có thể gom thành một con số lớn, gây lãng phí và ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính cá nhân.
Chú ý cân đối chi tiêu, hạn chế xài tiền ngoài dự tính và biết cách đầu tư mới là trọng điểm của tư duy kiểu David Bach. Từng đồng tiền đều có tiềm năng sinh lãi, quan trọng là cách bạn khéo léo sử dụng.
Tập "bỏ latte" như thế nào?
Để tiết kiệm, bạn không nhất thiết phải ngừng uống cà phê 100% theo nghĩa đen, cũng như cắt giảm những thú vui thường ngày.
Thay vào đó, bạn có thể kiểm soát chi phí không thiết yếu như ăn ngoài, mua sắm, hẹn hò,... một cách chặt chẽ hơn. Trong khả năng của mình, hãy thay thế chúng bằng lựa chọn ít tốn kém, như:
- Tự pha cà phê thay vì mua hàng quán; nấu ăn ở nhà nhiều hơn.
- Mua quần áo chất lượng, mặc được lâu thay vì săn sale rồi không sử dụng.
- Tắt chế độ tự động gia hạn của các tài khoản/app xem phim, đọc báo, chơi game trực tuyến,...
- Tìm hiểu về đầu tư để bảo vệ tiền và tích lũy tài sản.
"Bất kể thu nhập, mấu chốt của hiệu ứng latte là cân đo đong đếm nhu cầu xem khoản nào cần thiết, khoản nào không. Việc phân loại, đặt ưu tiên ấy sẽ giúp bạn dần sống thoải mái hơn về mặt tài chính, ít nhất là tránh nợ nần hay sa đà vào quẹt thẻ tín dụng", tác giả Jeremy Biberdorf, founder trang Modest Money nói.