Theo số liệu của Cục Thống kê Philippines, 5 tháng đầu năm 2023, Philippines nhập khẩu 1,5 tấn triệu tấn gạo từ Việt Nam, chiếm tới 89,6% trong tổng số 1,62 triệu tấn gạo được nhập khẩu vào quốc gia này. Đây là động lực chính giúp kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Philippines trong 5 tháng đầu năm 2023 duy trì ở mức tăng trưởng dương trong bối cảnh xuất khẩu nhiều loại mặt hàng khác có chiều hướng sụt giảm. 5 tháng 2023, Việt Nam xuất khẩu ra thế giới 3,6 triệu tấn gạo, trong đó lượng gạo xuất khẩu sang Philippines đạt 1,5 triệu tấn, chiếm 42,3% tổng lượng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines 5 tháng đạt 772,4 triệu USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Cục Thống kê Philippines, lượng gạo nhập khẩu của nước này trong 5 tháng đầu năm 2023 đã tăng gần 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh nhu cầu về lượng nhập khẩu gia tăng, El Nino cũng góp phần đẩy giá gạo thế giới tăng cao khi nhiều nước bắt đầu dự trữ lương thực.
Đây là một số yếu tố chính dẫn tới tăng trưởng tích cực của xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines cả về lượng và kim ngạch. Dự báo, trong phần còn lại của năm 2023 và sang năm 2024, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu gạo của Philippines sẽ tiếp tục gia tăng. Để tận dụng cơ hội xuất khẩu sang thị trường này, theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, các doanh nghiệp cần tiếp tục bám sát diễn biến thị trường và chính sách về thương mại gạo.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần tích cực phối hợp với các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành, hiệp hội để kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh trong hoạt động giao thương. Mới đây, Fitch Solutions dự đoán thị trường gạo toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất trong 20 năm qua vào năm 2023.
Dự đoán thị trường gạo toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn trong niên vụ 2022 -2023, mức cao nhất kể từ niên vụ 2003 -2004, khi lượng thiếu hụt ở mức 18,6 triệu tấn. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới vẫn có nhiều dư địa. Thực tế là ngoài Philippines, Indonesia và nhiều quốc gia ở châu Á cũng đang tăng mua gạo Việt do nguồn cung sụt giảm.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, Indonesia liên tục tăng mua gạo Việt Nam trong những tháng vừa qua. Chỉ trong bốn tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang thị trường này thu về 149 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, cả năm ngoái chỉ có 58 triệu đô la. Lần đầu tiên, quốc gia này vươn lên trở thành khách hàng lớn thứ ba của gạo Việt, sau Philippines và Trung Quốc.
Bên cạnh điểm sáng về lượng gạo xuất khẩu, giá gạo Việt Nam sang các thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng mạnh, lên mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Đơn cử, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 508 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn.
Mức giá này bằng với giá gạo cùng loại của Thái Lan, cao hơn 40 USD/tấn so với giá gạo của Ấn Độ và cao hơn 20 USD/tấn so với giá gạo Pakistan. Chính vì vậy, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể tận dụng cơ hội giá tốt để mang lại nguồn thu.