Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 210,37 nghìn tấn, trị giá 482,43 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 10,9% về trị giá so với tháng trước. Xét với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu cà phê tháng 3 giảm 0,3% về lượng nhưng tăng 1,7% về trị giá. Như vậy tính đến hết quý 1/2023, xuất khẩu cà phê đạt 552,61 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 1,23 tỷ USD.
Đáng chú ý trong tháng 3/2023, xuất khẩu sang các thị trường như Bỉ, Nhật Bản, Hà Lan giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên Nga đã trở thành một điểm sáng cho xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu cà phê sang Nga trong tháng 3 đạt 13.271 tấn, trị giá 30,7 triệu USD, tăng đột biến 418% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung quý 1/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Moscow đạt 33.091 tấn, tăng 82,9%.
Nguyên nhân của sự tăng mạnh này là do trong thời điểm đầu năm 2022 diễn ra xung đột giữa Nga và Ukraine khiến việc nhập khẩu chung của Nga giảm mạnh và sau đó mới dần ổn định trở lại. Kết thúc năm 2022, xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Nga đạt 103.531 tấn, trị giá 249,4 triệu USD, tăng 26,54% về lượng và tăng 44% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Nga, mức tiêu thị trà và cà phê đã tăng đáng kể trong vòng 30 năm qua. Trung bình người Nga uống khoảng 300 tách cà phê mỗi năm, tương đương với 60 lít mỗi người, theo số liệu từ Stir.
Người Nga có một sự yêu thích đặc biệt đối với cà phê Việt Nam. Tính đến năm 2021, trước thời điểm xảy ra xung đột, tổng lượng tiêu thụ cà phê năm 2021 của Nga đạt 303.000 tấn, trong khi phần lớn khối lượng này là nhập khẩu với 243.639 tấn, trị giá 787,58 triệu USD. Trong đó, Việt Nam là nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất của Nga trong năm 2021 với 81.818 tấn, trị giá hơn 173 triệu USD.
Về triển vọng của xuất khẩu cà phê Việt Nam 2023, báo cáo tháng 3 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 2 chỉ đạt 8,9 triệu bao, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế trong 5 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 2/2023), xuất khẩu cà phê toàn cầu đã giảm 8,7 % xuống còn 48,7 triệu bao.
Đồng thời, ICO ước tính nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 đạt 171,3 triệu bao. Trong khi đó mức tiêu thụ đạt 178,5 triệu bao, với dự báo này thị trường cà phê thế giới có thể thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ hiện tại.
Cũng theo dự báo này, sản lượng cà phê arabica toàn cầu sẽ tăng khoảng 4,6% lên 98,6 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Tuy nhiên, sản lượng robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao.
Các yếu tố từ thị trường quốc tế này sẽ là một yếu tố thúc đẩy giá cà phê tăng cao trong năm 2023. Trong tháng 3 giá xuất khẩu bình quân cà phê tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 2.293 USD/tấn.