Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2022 ghi nhận kết quả tích cực, đạt 371,5 tỷ USD (tăng 10,6% so với cùng kỳ) nhờ đóng góp lớn từ các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép.
Tổng giá trị xuất khẩu 3 ngành đạt 62,2 tỷ USD năm 2022 (tăng 6,01% so với cùng kỳ) nhờ nhu cầu bị dồn nén tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU giai đoạn sau Covid-19.
Cùng với sự tăng trưởng của các nhóm ngành, giá trị xuất khẩu hóa chất cơ bản của Việt Nam (phốt pho vàng, phân bón DAP và MAP,...) trong năm 2022 cũng tăng 25,3% so với cùng kỳ lên 5,6 tỷ USD. Tuy nhiên, đà tăng trưởng bắt đầu chậm lại kể từ quý 3/2022 do nhu cầu toàn cầu suy yếu và giá bán giảm.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Ấn Độ đạt 0,73 tỷ USD (giảm 13,0%) và 0,7 tỷ USD (tăng 12,5%). Trung Quốc là nhà nhập khẩu hóa chất lớn nhất của Việt Nam vào năm 2022 với giá trị nhập khẩu là 1,18 tỷ USD (tăng 21,0% so với cùng kỳ) do sự thiếu hụt nguồn cung tại Trung Quốc.
Mặc dù tăng trưởng lợi nhuận ròng của ngành chậm lại trong quý 4/2022 (giảm 19% so với cùng kỳ) nhưng năm 2022 vẫn là một năm chói sáng đối với các doanh nghiệp hóa chất.
Lợi nhuận ròng của các công ty hóa chất cơ bản niêm yết tăng 138% so với cùng kỳ, trong đó PAT của Công ty cổ phần Phốt pho Apatit Việt Nam là điểm nhấn với tăng trưởng 276% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp ngành tăng 11,3 điểm % nhờ nguồn cung khan hiếm và nhu cầu chất bán dẫn cao trong năm 2022.
Sau năm 2022 đạt kết quả ấn tượng, xuất khẩu hóa chất có dấu hiệu chững lại trong hơn 2 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hóa chất cơ bản chỉ đạt 930 triệu USD trong 2,5 tháng đầu năm 2023, giảm 10,9% so với cùng kỳ do nhu cầu toàn cầu suy yếu. Giá trị xuất khẩu hóa chất đứng thứ 12 trong tổng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong 2,5 tháng đầu năm 2023.
Nguyên nhân là do nhu cầu của các thị trường hóa chất xuất khẩu của Việt Nam như Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ giảm hơn nữa cho tới cuối năm 2023 do kỳ vọng lạm phát cao và rủi ro suy thoái kinh tế.
Phốt pho vàng - một mặt hàng quan trọng bậc nhất đối với ngành hóa chất cũng được dự đoán sẽ suy giảm. Suy thoái kinh tế dẫn đến nhu cầu đối với hàng điện tử và chất bán dẫn giảm vào năm 2023. World Semiconductor Trade Statistics dự báo thị trường chất bán dẫn toàn cầu sẽ giảm 4% vào năm 2023 xuống còn 557 tỷ USD, đây là lần giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2019.
Ngoài ra, TSMC, công ty sản xuất chip của Đài Loan (Trung Quốc) - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới dự báo rằng doanh thu quý đầu tiên sẽ giảm 5% so với cùng kỳ và họ sẽ cắt giảm đầu tư hàng năm do nhà cung cấp lớn của Apple Inc dự đoán nhu cầu sẽ giảm do nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
TSMC cho biết chi phí đầu tư tài sản cố định của họ vào năm 2023 sẽ giảm xuống còn 32 - 36 tỷ USD từ mức 36,3 tỷ USD vào năm 2022. Do đó, nhu cầu về phốt pho vàng – nguyên liệu đầu vào để sản xuất chất bán dẫn sẽ giảm vào năm 2023 do nhu cầu yếu đối với chất bán dẫn.
Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) là nhà sản xuất phốt pho và các sản phẩm từ phốt pho hàng đầu Việt Nam. DGC cũng là nhà xuất khẩu phốt pho vàng - nguyên liệu thiết yếu cho ngành sản xuất chất bán dẫn và ngành thực phẩm, đồ uống lớn nhất châu Á.
Trong quý 4/2022, DGC đạt 3.112 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 10% so với cùng kỳ và giảm 15,8% so với quý trước). Biên lợi nhuận gộp của DGC đã giảm 4,4 điểm % so với cùng kỳ trong quý 4/2022 do giá bán trung bình thấp hơn và chi phí đầu vào cao hơn như lưu huỳnh, than cốc, phốt phát. Do đó, lợi nhuận ròng của DGC trong quý giảm 21% so với cùng kỳ, xuống còn 1.032 tỷ đồng.
Đối với năm 2023,doanh thu và lợi nhuận ròng của DGC dự báo sẽ giảm lần lượt 24,4% và 35,1% so với cùng kỳ do nhu cầu phân bón và chất bán dẫn yếu trong năm 2023.
Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của DGC dự báo sẽ tăng trở lại trong năm 2024 (tăng 13,7% so với cùng kỳ) nhờ nhu cầu phục hồi đối với các mặt hàng điện tử và đóng góp từ mảng chlor-alkali-vinyl. Giai đoạn 1 của dự án Chlor-alkali-vinyl (CAV) hoàn thành vào quý 3/2024 sẽ đóng góp 25% doanh thu hàng năm và đưa nhà máy của DGC trở thành nhà máy sản xuất xút số 1 về công suất thương mại tại Việt Nam.