Không khí của Black Friday năm nay được nhận xét là u buồn hơn so với những mùa lễ trước. Ảnh: The Guardian.
Khi một năm đầy biến động sắp kết thúc đối với các công ty công nghệ, triển vọng kéo lại doanh thu từ Black Friday đến Cyber Monday vẫn có vẻ u ám.
Nhiều chuyên gia dự đoán doanh số bán hàng sẽ sụt giảm ở mức kỷ lục. Sự bấp bênh phản ánh một mùa lễ hội mờ nhạt, không mấy khả quan trong năm nay, theo Fortune.
Trong khi các nhà bán lẻ đang quảng cáo những đợt siêu sale 30%, 50% và 70% cho mọi thứ từ TV đến thiết bị, nhiều mặt hàng vẫn sẽ có giá cao hơn năm ngoái do lạm phát.
Vì thế, việc tìm kiếm một món hời thực sự đang trở thành thách thức với người tiêu dùng.
Trong bối cảnh hiện nay, đa số khách hàng đều có tâm lý không muốn chi tiêu quá nhiều khi tiền lương tụt dốc và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp.
“Thật đáng ngạc nhiên là các chỉ số của đồ công nghệ đầu mùa lại chậm đi, chệch khỏi xu hướng của vài năm trước”, Paul Gagnon, cố vấn của công ty thông tin thị trường toàn cầu NPD, nói.
Không thể phủ nhận rằng tình hình kinh doanh của các hãng sản xuất laptop đang rất ảm đạm, phần lớn là do người tiêu dùng đã mua tất cả thiết bị họ cần trong 2 năm qua.
HP đưa ra dự báo doanh thu trong kỳ nghỉ lễ sẽ không đạt kỳ vọng của phố Wall, cùng với kế hoạch sa thải tới 10% lực lượng lao động do suy thoái kinh tế kéo dài.
Trong khi đó, các nhà phân tích của Dell cho biết doanh số trong quý IV sẽ giảm khoảng 15%.
Từ tháng 9 đến tháng 10, người mua sắm đã trả nhiều hơn khoảng 18% cho đồ nội thất và thiết bị so với cùng kỳ năm ngoái, theo một phân tích dữ liệu gần đây của DataWeave, công ty chuyên theo dõi giá của hàng trăm nghìn mặt hàng từ 30 nhà bán lẻ.
Nhiều người chọn đứng ngoài "bão sale" trong ngày "Thứ Sáu đen tối" năm nay. Ảnh: CNBC.
William Wang (24 tuổi, sống ở Brooklyn, Mỹ), giáo viên toán, cho hay anh nhận thấy nhiều vật dụng hàng ngày đang tăng giá đáng kể.
“Mọi thứ đều đắt đỏ hơn, đặc biệt là thực phẩm”, cư dân New York than thở.
Với những người mê săn sale như Yoki Hanley (đến từ St. Croix), việc sẵn sàng bắt lấy mọi cơ hội giảm giá là điều quan trọng. Tuy nhiên, khi các ưu đãi vẫn chưa thực sự nổi bật, cô quyết định trì hoãn mua sắm cho đến tuần cuối cùng trước Giáng sinh.
“Chi phí leo thang khiến tiền của tôi bay khỏi ví khá nhanh. Tôi sẽ đợi đến phút cuối cùng để sở hữu những thứ đó với giá rẻ nhất”, Hanley bày tỏ.
Về mặt tích cực, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ bức tranh thị trường hiện tại. Các đơn vị bán lẻ và nhà sản xuất đang tìm cách giảm lượng hàng tồn kho tích tụ sau sự điều chỉnh quá mức của chuỗi cung ứng, điều này sẽ dẫn đến những món hời tốt hơn.
Thế nhưng, triển vọng thúc đẩy buôn bán trong mùa lễ hội vẫn khá khó đoán trước.
Dữ liệu khảo sát của Morgan Stanley được công bố hôm 22/11 cho thấy khách hàng có kế hoạch chi tiêu ít hơn 25% cho hàng điện tử tiêu dùng và 34% với đồ xa xỉ trong các lễ hội mua sắm.
Brian Cornell, Giám đốc điều hành Target, cho biết những dấu hiệu ban đầu đã chỉ ra rằng mọi người vẫn thận trọng với tiền của họ, chọn chi tiêu cho những thứ thiết yếu thay vì các mặt hàng tùy ý.