Từ ngày 18/11/2022 – 29/11/2022, OceanBank cho biết triển khai chương trình “Ngày Vàng gửi tiền, rinh liền lãi Đỉnh”, với mức lãi suất áp dụng lên tới 10%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và 9%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng. Đây là chương trình ưu đãi dành cho các khoản tiền gửi tiết kiệm VND trả lãi cuối kỳ được mở tại quầy.
Với mức lãi suất siêu ưu đãi trên, OceanBank là một trong những ngân hàng có lãi suất tiền gửi cạnh tranh trên thị trường.
Trước đó, GPBank cũng áp dụng mức lãi suất cao nhất lên đến 10%/năm dành cho các khoản tiền gửi tại quầy. Cụ thể, mức lãi suất cao nhất được niêm yết là 8,95%/năm áp dụng cho khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế gửi tiền theo kỳ hạn 13 tháng, có 1 sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi hoặc tổng số dư tiền gửi tại GPBank từ 100 triệu đồng trở lên. Đồng thời, khi tham gia gửi tiền tại quầy và đáp ứng đủ một số điều kiện về số dư tối thiểu cũng như là khách hàng hạng vàng, người gửi tiền còn có thể được cộng lãi suất lên đến 1,05%.
Ngoài hai nhà băng nêu trên, hầu hết ngân hàng tư nhân đều đã đẩy lãi suất cao nhất lên trên 9%/năm, trong đó có cả các ngân hàng lớn.
Theo đó, Techcombank đang áp dụng mức lãi suất cao nhất là 9,3%/năm dành cho khách hàng VIP1 gửi mới, với số tiền tối thiểu 3 tỷ đồng tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đối với khách hàng thông thường, lãi suất cao nhất dao động trong khoảng 8,7 – 9,1%/năm tùy theo số tiền gửi.
Tại VPBank, các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng được áp dụng lãi suất 9,1 – 9,3%/năm theo hình thức gửi tiền tại quầy và 9,2 – 9,4%/năm theo hình thức gửi tiền online. Trong đó, mức lãi suất cao nhất 9,4% được ngân hàng áp dụng cho các khoản tiền gửi online tại các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng, với số tiền gửi tối thiểu là 10 tỷ đồng.
Trước đó, Sacombank đã tăng mạnh lãi suất huy động từ ngày 17/11 với mức cao nhất là 9,2%/năm dành cho các khoản tiền gửi online, kỳ hạn gửi 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.
Với SCB, các kỳ hạn 13, 15, 18, 24 và 36 tháng đang được nhà băng này chào lãi suất lên tới 9,75%/năm.
Tại các ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ như BacA Bank, VietABank, NCB, DongABank, VIB, SeABank, ABBank… lãi suất huy động cao nhất cũng đã lên tới khoảng 9,1 – 9,6%/năm.
Cuộc đua lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng liên tục leo thang trong bối cảnh thanh khoản hệ thống vẫn chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng huy động thấp hơn nhiều so với cho vay.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 11,5% so với cuối năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng như trên, tín dụng đã tăng trên 17% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây. Trong khi đó, trong cùng khoảng thời gian trên, huy động vốn mới chỉ tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Điều này đặt ra thách thức đối với hệ thống ngân hàng trong việc điều tiết hệ số sử dụng vốn và gây áp lực lên thanh khoản hệ thống.
Giới phân tích dự báo, lãi suất sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong những tháng cuối năm do áp lực tỷ giá và lạm phát đi cùng yếu tố mùa vụ.
Theo chứng khoán MB (MBS), lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại tính từ đầu tháng 11 ghi nhận xu hướng tăng rất mạnh. Mặt bằng lãi suất dự kiến tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới vì nhu cầu vốn vay giai đoạn cuối năm thường ở mức cao.
Tương tự, Chứng khoán VietinBank nhận định: Để chuẩn bị cho room tín dụng năm sau, nhiều khả năng các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất huy động trên cả thị trường 1 và thị trường 2 để chuẩn bị vốn cho giải ngân tín dụng năm 2023. Do đó, NHNN sẽ rất thận trọng nới room tín dụng trong năm 2023, nhằm tránh cuộc đua lãi suất huy động trên thị trường 1 nếu tình hình tỷ giá vẫn còn căng thẳng dưới áp lực từ FED tăng lãi suất.