Ở Argentina, đồng USD khó tìm đến mức Whirlpool Corp., hãng sản xuất thiết bị lớn của Mỹ, đang cân nhắc việc thanh toán bằng đồng NDT để nhập khẩu các bộ phận cho một nhà máy mới.
Song, Whirlpool không phải là trường hợp duy nhất. Trên khắp quốc gia Nam Mỹ này, nguồn cung USD đang cạn kiệt, khiến các doanh nghiệp phải tìm đến một đồng tiền tệ khác cũng đóng vai trò tương đối quan trọng trong thương mại quốc tế.
Xu hướng này đang thể hiện rõ tình trạng khó khăn nghiêm trọng về tài chính của Argentina, đồng thời làm nổi bật tham vọng của Trung Quốc với đồng NDT.
Marcelo Elizondo, một nhà kinh tế thương mại ở Buenos Aires, cho biết: "NHTW Argentina không có USD nên họ cần sự viện trợ khẩn cấp mà Trung Quốc đang đưa ra. Đối với Argentina, mối liên kết tiền tệ của họ với Trung Quốc là trường hợp khẩn cấp. Nhưng với Trung Quốc, đó là đòn bẩy để họ tận dụng lợi thế địa chính trị."
Hiện tại, vị trí thống lĩnh của đồng USD đang bị lu mờ dần, đặc biệt là ở các nước đang phát triển trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh gay gắt. Việc Nga bị phương Tây áp hàng loạt biện pháp trừng phạt cũng "mở đường" cho hoạt động thương mại phi đô la hoá.
Ví dụ, Brazil cũng có kế hoạch sử dụng đồng USD nhiều hơn. Đây là quyết định của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva nhằm tìm kiếm giải pháp thay thế cho đồng USD.
Dẫu vậy, ở Argentina, sử dụng NDT chỉ là giải pháp ngắn hạn, nhanh gọn để duy trì hoạt động của các dây chuyền lắp ráp khi kế hoạch dài hạn bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao và chính sách khó khăn.
Gần đây, Trung Quốc đã cho phép Argentina sử dụng hơn 1 nửa trong hợp đồng hoán đổi tiền tệ 18 tỷ USD để hỗ trợ hoạt động thương mại giữa 2 bên. 2 quốc gia đã ký kết thoả thuận này từ năm 2009, nhằm tăng cường dự trữ ngoại hối trong các cuộc khủng hoảng thanh khoản.
Maria Castiglioni, giám đốc của công ty tư vấn C&T Asesores, cho hay: "Lựa chọn duy nhất của Argentina là tiếp cận đồng NDT từ hợp đồng hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc."
Giờ đây, hơn 500 doanh nghiệp Argentina đã yêu cầu được thanh toán hàng nhập khẩu bằng đồng NDT, bao gồm cả các nhà sản xuất đồ điện tử, phụ tùng ô tô, dệt may hay các công ty dầu mỏ, khai thác mỏ.
Theo NHTW, các quan chức nước này cũng đã cho phép thanh toán nhập khẩu bằng đồng NDT, với giá trị tương đương 2,9 tỷ USD. Trong 10 ngày đầu tiên của tháng 6, giao dịch NDT trên thị trường tiền tệ Argentina đạt tổng cộng khoảng 285 triệu USD, gấp đôi so với cả tháng 5.
Ngoài ra, dữ liệu của Mercado Abierto Electrónico, một trong những sàn giao dịch lớn nhất Argentina, tỷ lệ giao dịch bằng đồng NDT trên thị trường ngoại tệ của nước này cũng đạt mức kỷ lục theo ngày là 28%, so với mức cao nhất là 5% vào tháng trước.
Whirlpool là một trong số những doanh nghiệp ở Argentina đang xem xét thay thế USD bằng NDT. Công ty này đã đầu tư 52 triệu USD cho nhà máy xây dựng gần Buenos Aires vào năm ngoái để sản xuất máy giặt và các sản phẩm khác.
Giờ đây, họ đang gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu, khi nguồn cung USD khan hiếm. Sau khi phải ngừng sản xuất vì thiếu hụt nguyên vật liệu trong những tháng gần đây, Whirlpool đang cân nhắc thanh toán một số khoản bằng NDT để đảm bảo nguồn cung.
Theo cơ quan hải quan Argentina, nếu theo kế hoạch này, Whirlpool sẽ giống với doanh nghiệp trong nước như Mirgor và Newsan - đã thanh toán 630 triệu USD hàng nhập khẩu từ tháng 5-8 bằng đồng NDT. Trong khi đó, các công ty khác cũng đang ồ ạt mua NDT, khi NHTW yêu cầu họ phải tìm nguồn tài trợ USD từ bên ngoài vì phải chờ hàng tháng từ thị trường ngoại hối trong nước.
Đồng peso của Argentina đã mất 1 nửa giá trị trong 12 tháng qua và là đồng tiền có diễn biến tệ nhất ở các thị trường mới nổi trong thời gian này. Dự trữ USD của NHTW đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2016. Nếu không tính đến các hợp đồng hoán đổi tiền tệ, vàng hay các khoản vay đa phương, thì dự trữ tiền mặt của ngân hàng này thực sự ở mức âm.
Mới đây, chính phủ nước này cho biết thâm hụt thương mại trong tháng 5 lên tới 1,2 tỷ USD, cao chưa từng có kể từ năm 2018 khi cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra. Đây lại là một dấu hiệu gây áp lực cho đồng peso.
Trong khi đó, Trung Quốc đang thúc đẩy đồng NDT nhằm thay thế USD, nhằm mở rộng vai trò và vị thế của nước này trong hệ thống tài chính toàn cầu. Bắc Kinh đã thực hiện một số bước như dần mở cửa thị trường tài chính và chính quyền rút quyền can thiệp khỏi đồng tiền tệ.
PBOC đã ký các thoả thuận hoán đổi tiền tệ với khoảng 40 quốc gia trong 4 năm qua. Trung Quốc cũng liên tục mở rộng mạng lưới thanh toán NDT xuyên biên giới "mới nổi" của mình, được gọi là CIPS.
Việc Argentina gấp rút thanh toán bằng đồng NDT diễn ra khi các quan chức chính phủ đang đàm phán với IMF để nhận hỗ trợ từ chương trình viện trợ 44 tỷ USD. Quốc gia này chưa đáp ứng bất kỳ mục tiêu quan trọng nào của IMF sau đợt hạn hán kỷ lục khiến lượng xuất khẩu nông sản mất 20 tỷ USD.