Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013-2017. Theo đó, một số ngân hàng báo cáo NHNN số liệu nợ xấu không đầy đủ, phân loại nợ, chuyển nhóm chưa chính xác, chưa kịp thời theo quy định.
Theo đó, xử lý nợ xấu của TCTD theo Đề án 843: Trong giai đoạn 2013 – 2017, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD có xu hướng giảm. Theo NHNN báo cáo, tại thời điểm triển khai Đề án 843 (30/6/2013), tỷ lệ nợ xấu là 4,46%, néu không được áp dụng cơ cấu nợ theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012 của NHNN (giữ nguyên nhóm nợ đối với một số khoản nợ quá hạn) thì tỷ lệ nợ xấu là 9,21%; đến 31/12/2015, nợ xấu giảm còn 2,55% và đến 31/12/2017 giảm còn 1,99%, đạt kết quả ở mức dưới 3%.
Tỷ lệ nợ xấu giảm có nguyên nhân từ việc tham mưu, đưa ra các giải pháp của NHNN, cùng với nỗ lực tự xử lý của TCTD và việc phục hồi của nền kinh tế trong nước và thế giới.
Đặc biệt là sự phục hồi của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu giảm dưới 3% có nguyên nhân do nợ xấu được bán cho VAMC (trong giai đoạn 2013 – 2017, nợ xấu bán VAMC/tổng số nợ xấu được xử lý chiếm 43%).
Nếu tính cả số nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý thì thực chất tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống TCTD tịa thời điểm 31/12/2015 là 107.640 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,08% tổng dư nợ, tại thời điểm 31/12/2017 là 57.849 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,79% tổng dư nợ.
Thanh tra Chính phủ phát hiện một số TCTD báo cáo NHNN số liệu nợ xấu không đầy đủ, phân loại nợ, chuyển nhóm chưa chính xác, chưa kịp thời theo quy định, cụ thể:
Tại ngân hàng Sacombank: Số liệu báo cáo NHNN về nợ xấu tại thời điểm 31/12/2017 là 9.206 tỷ đồng, thấp hơn số Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 của Sacombank (9.468 tỷ đồng) là 262 tỷ đồng do Kiểm toán yêu cầu chuyển nhóm nợ của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai thành nợ xấu. Nhưng trong báo cáo gửi NHNN, Sacombank chưa chuyển nhóm. Theo báo cáo của NHNN, ngày 30/9/2018 Sacombank đã chuyển nhóm theo đúng kiến nghị của Kiểm toán.
Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank): NamABank chưa kịp thời chuyển nhóm nợ xấu (nợ nhóm 3) đối với các khoản nợ trong thời hạn thu hồi theo KLTT của Cơ quan TTGSNH, cụ thể: Tại Báo cáo số 69/BC-CucII.5 ngày 27/01/2016 của Cục II, đến thời điểm 31/12/2015, còn 17 khoản vay, dư nợ 3.779 tỷ đồng chưa thu hồi, nhưng NamABank chưa chuyển nợ nhóm 3. Trong khi NamABank báo cáo NHNN nợ xấu thời điểm 31/12/2015 là 260 tỷ đồng, chiếm 0,99%/tổng dư nợ. Nếu thực hiện chuyển nhóm nợ theo quy định đối với các khoản dư nợ sai phạm chưa thu hồi theo KLTT, tỷ lệ nợ xấu của NamABank tại thời điểm 31/12/2015 là 15,41%.
Tương tự, tại thời điểm 31/12/2017, nếu NamABank thực hiện chuyển nhóm theo quy định (nhóm 3) đối với 04 khách hàng, dư nợ 514 tỷ đồng kiến nghị thu hồi trước hạn theo KLTT 14/KL-CucII.5 ngày 16/6/2017, tỷ lệ nợ xấu của NamABank tại thời điểm 31/12/2017 là 2,93% (chưa tính nợ bán VAMC). Trong khi, tỷ lệ nợ xấu của NamABank báo cáo NHNN là 1,12%.
Ngoài ra, Kết quả xem xét tình hình nợ xấu theo báo cáo của TCTD và kiểm tra chất lượng một số hồ sơ cấp tín dụng tại một số TCTD như VAB BacABank, Sacombank... cho thấy: Thiếu sót, vi phạm được phát hiện ở các bước của quy trình cấp tín dụng; một số khách hàng chậm trả gốc, lãi, phương án cơ cấu nợ không khả thi nhưng TCTD chưa chuyển nhóm nợ đúng thời điểm quy định.
Đáng lưu ý là việc tập trung tín dụng cho 01 khách hàng, 01 dự án thông qua cho vay các khách hàng độc lập để tránh vi phạm quy định của Luật các TCTD bằng các hình thức: Cho vay để góp vốn theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh ký với chủ đầu tư dự án, bản chất là giải ngân vốn cho chủ đầu tư thực hiện dự án; Cho vay để góp vốn vào các công ty con, mua lại cổ phần vốn góp của các cổ đông công ty sở hữu dự án thuộc dự án, bản chất là vay vốn góp của doanh nghiệp dự án; Cho vay để nhận chuyển nhượng và đầu tư cùng một dự án, nhưng khách hàng vay không trực tiếp thự hiện dự án mà vay vốn để chuyển cho chủ đầu tư thông qua hình thức ký hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng các phân khu thuộc dự án,…. Qua kiểm tra cho thấy việc cấp tín dụng có những thiếu sót, vi phạm trong việc thẩm định điều kiện vay vốn, giải ngân khi dự án chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý, số liệu báo cáo tài chính sai lệch, không kiểm soát được việc sử dụng vốn thực tế đầu tư vào dự án, dự án chậm triển khai, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra, việc một số Ngân hàng TMCP vi phạm vượt hạn mức tăng trưởng tín dụng, như: VietBank vượt hạn mức năm 2015 là 2.046 tỷ đồng; Sacombank vượt hạn mức năm 2016 là 7.000 tỷ đồng.