Startup RepAir của Israel vừa huy động thành công 10 triệu USD nhằm mở rộng quy mô công nghệ thu giữ và lưu trữ khí CO2 - tác nhân gây tình trạng nóng lên toàn cầu, theo Bloomberg.
Được biết RepAir là một trong số ít các công ty đang tìm cách xây dựng công nghệ hỗ trợ quy trình thu giữ không khí trực tiếp: lấy CO2 từ không khí và lưu trữ nó một cách an toàn ngoài bầu khí quyển. Đây được kỳ vọng có thể trở thành công cụ quan trọng giúp loại bỏ lượng khí thải nhà kính dư thừa, thậm chí là ngăn chặn chúng xâm nhập bầu khí quyển ngay từ đầu.
Nguyên mẫu của RepAir có kích thước bằng một chiếc hộp đựng giày, được vận hành trong phòng thí nghiệm gần Haifa, Israel. Công ty có kế hoạch mở rộng quy mô nhờ tiền vốn huy động được từ các nhà đầu tư, bao gồm liên doanh khí hậu Extantia Capital, các công ty liên doanh của những gã khổng lồ dầu khí châu Âu Shell Plc và Equinor ASA.
“Thu giữ không khí trực tiếp phải là một phần của các giải pháp khí hậu. Đây là yếu tố thiết yếu bên cạnh việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và loại bỏ khí thải tại nguồn,” đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành RepAir Amir Shiner cho biết. “Chúng tôi muốn mở rộng quy mô nhanh chóng và tiết kiệm nhất có thể.”
Mục tiêu sau này của RepAir là xây dựng một thiết bị có khả năng thu giữ tới 1 tấn CO2 mỗi năm trong thế giới thực, một hệ thống có kích thước bằng một chiếc điều hòa không khí dân dụng. Tiếp đó là mở rộng quy mô thành một mô-đun có thể thu giữ khoảng 200 tấn CO2 mỗi năm nhằm mục đích vận hành thương mại.
“Đó là con số nhỏ, nhưng sẽ rất quan trọng nếu chúng tôi đạt được cột mốc đó và bắt đầu tiến xa”, Amir Shiner nói.
Được biết, công nghệ thu giữ CO2 đã được ngành dầu khí phát triển trong nhiều thập kỷ, song còn khá non trẻ. Nhà máy thu hồi không khí trực tiếp lớn nhất thế giới, được xây dựng bởi công ty khởi nghiệp Thụy Sĩ Climeworks AG, đã khởi động hồi năm ngoái tại Iceland với công suất thu hút 4.000 tấn CO2 mỗi năm.
Startup RepAir, dù đứng ngoài cuộc cạnh tranh, song vẫn mong muốn có thể tạo sự khác biệt bằng cách hạn chế lượng năng lượng cần thiết để thu hồi CO2. Shiner cho biết cỗ máy của anh cần khoảng 650 kilowatt giờ điện để thu được một tấn CO2, tức rất nhỏ so với khoảng 2.000 kilowatt giờ mà hệ thống Climeworks yêu cầu.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, thu giữ không khí trực tiếp có thể cắt giảm khoảng 393 triệu tấn khí thải vào năm 2050 và giúp thế giới duy trì nhiệt độ tăng lên theo đúng Thỏa thuận Paris 2015. Tại COP27 lần này, mục tiêu được đặt ra là đến năm 2030, có thể giảm lượng khí ô nhiễm đáng kể để giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5 độ C.
Để cô lập lượng CO2 đó, RepAir sẽ cần khoảng 255 terawatt giờ điện mỗi năm, nhiều hơn một chút so với tổng lượng điện được tạo ra trong một năm ở Tây Ban Nha. Theo Bloomberg, công ty hiện đang tập trung phát triển tại Israel, đồng thời lên kế hoạch mở rộng sang Mỹ vào năm tới - nơi dự luật khí hậu của Tổng thống Joe Biden cung cấp khoản trợ cấp lên tới 180 USD/tấn cho các dự án cô lập ít nhất 1.000 tấn CO2/năm.
Ngoài RepAir, công ty NGK Insulators có trụ sở tại Nagoya cũng đang nghiên cứu việc thu khí cacbonic (CO2) trực tiếp từ không khí. Dự kiến, mô hình mẫu sẽ bắt đầu hoạt động vào năm tài chính 2025 và có khả năng hấp thụ hàng trăm đến hàng nghìn tấn CO2/năm.
“Công nghệ thu giữ CO2 sẽ tạo nên sức hút mạnh mẽ cho chúng tôi”, Chủ tịch Shigeru Kobayashi nói, đồng thời kỳ vọng các sản phẩm liên quan đến trung tính cacbon và sáng kiến kỹ thuật số sẽ chiếm một nửa doanh số bán hàng vào năm 2030 và 80% vào năm 2050.
Toho Gas, một công ty khác có trụ sở tại Nagoya, cũng đang nghiên cứu công nghệ thu giữ không khí trực tiếp từ các kho khí thiên nhiên hóa lỏng. Nguyên mẫu dự kiến được xây dựng vào năm tài chính 2024, với khả năng hấp thụ 1 tấn CO2/năm. Các thử nghiệm tiếp theo có thể được thực hiện tại một cơ sở mở rộng vào năm tài chính 2029.
Để đạt được mục tiêu trung hòa carbon, Bloomberg NEF cho biết thế giới cần tăng cường khả năng thu giữ và lưu trữ CO2. Cụ thể, kịch bản Net Zero nêu rõ: “Nếu trong năm 2021, thế giới thu giữ được 40 triệu tấn CO2, thì con số này phải tăng lên 1,7 tỷ tấn vào năm 2030 và hơn 7 tỷ tấn vào năm 2050”.
"Chúng ta thực sự phải xem xét cuộc chiến chống biến đổi khí hậu một cách nghiêm túc và hành động như thể đó là trường hợp khẩn cấp. Giờ đây, chúng ta đã có kinh nghiệm thực tế về điều gì xảy ra khi cả thế giới chung tay giải quyết một cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19", Tiến sĩ Tara Shine, Giám đốc điều hành của Change by Degrees, một công ty tư vấn về khí hậu, nhận định.
Ước tính, công nghệ thu giữ và lưu trữ CO2 có thể đóng góp tới 15% vào việc giảm lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu vào năm 2060. Điều này giúp nó trở thành động lực hiệu quả thứ ba, sau hiệu suất năng lượng (40%) và sự phát triển của năng lượng tái tạo (35%).
Theo các chuyên gia, việc thu giữ trực tiếp CO2 có nhiều tiềm năng phát triển, song lại tồn tại nhiều trở ngại liên quan đến chi phí. Do nồng độ CO2 trong không khí thấp, việc thu hồi không khí trực tiếp sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn so với việc lọc khí thải của nhà máy điện.
Theo: Bloomberg