Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết đạt 13.488 tỷ đồng, tăng 19% so với phiên trước. Riêng sàn HoSE tăng 21% với 12.452 tỷ đồng. Mức giao dịch lớn này thể hiện sự hào hứng cao độ của dòng tiền, bất chấp VN-Index đã đi vào vùng đỉnh cũ tháng 3/2024.
Tuy vậy diễn biến trong phiên đang cho thấy có hoạt động chốt lời mạnh tay và sau khoảng nửa đầu phiên dập dình ở vùng cao, giá bắt đầu suy yếu dần. VN-Index từ chỗ tăng hơn 12 điểm còn tăng 5,65 điểm. Nhưng không chỉ là chỉ số, cổ phiếu cũng đã hạ độ cao khá nhiều. Đầu tiên là độ rộng co lại dần: Lúc gần 10h VN-Index có tới 324 mã tăng/69 mã giảm. Đến 11h vẫn là 325 mã tăng/97 mã giảm. Thế nhưng chốt phiên sáng, độ rộng còn 269 mã tăng/139 mã giảm. Thứ hai, biên độ tụt giá trong vùng xanh xuất hiện phổ biến: Sàn HoSE có tới 53% số cổ phiếu phát sinh giao dịch đã tụt giá tối thiểu 1%.
Nhiều cổ phiếu “nóng” đã xuất hiện giao dịch lớn với biên độ tụt giá rất đáng kể. HAG từ mức tăng 4,79% còn 1,03%, thanh khoản 271 tỷ đồng; FRT để tụt tới 3,34% so với đỉnh đầu ngày, thậm chí đảo chiều thành giảm 0,3% với giao dịch 111,5 tỷ đồng; TCH tụt 2,73% còn tăng 3,16% với thanh khoản 202,4 tỷ; VSC, TCH, MWG, PC1, GVR… là các đại diện khớp lệnh hàng trăm tỷ đồng và giá tụt khá rộng.
Diễn biến giá trong phiên theo hình thái tăng mạnh trước và suy yếu sau thường là biểu hiện của áp lực chốt lời. Đại đa số cổ phiếu bắt đầu trượt sâu từ khoảng 30-45 phút cuối phiên. Trước đó, thị trường gần như đi ngang kéo dài và phần lớn biên độ tăng xuất hiện ngay đầu phiên. Nói cách khác, thị trường nói chung và rất nhiều cổ phiếu nói riêng đã bị chặn đà tăng, sau đó sức ép bán ra lớn dần và từ từ đẩy giá xuống.
Dù vậy độ rộng còn tốt cho thấy nhà đầu tư bán ra vẫn đang “căn ke” các mức giá trong vùng xanh để lựa chọn, chưa đến mức hạ giá liên tục. Mức thanh khoản lên cao nhất 20 phiên cũng phản ánh sự sốt ruột của nhà đầu tư còn nhiều tiền mặt hoặc lỡ nhịp tăng này đã chấp nhận nhảy vào mua.
VN30-Index chốt phiên sáng đã co lại còn tăng 0,42% so với tham chiếu từ mức tăng tối đa 0,91%. Độ rộng còn rất tốt với 21 mã tăng/7 mã giảm nhưng chỉ duy nhất BCM hiện còn chốt được ở giá đỉnh cao nhất, còn lại đều trượt dốc. Các cổ phiếu trụ trượt giá khá rộng: VIC để mất 1,89% so với giá đỉnh và quay đầu giảm 0,43% so với tham chiếu; VHM lao dốc 1,33% thành giảm 0,37% so với tham chiếu; VCB ban đầu khá mạnh nhưng đến cuối phiên cũng chỉ còn tăng 0,11%, tức là trả lại thị trường tới 1.18%; TCB cũng để mất 1,09% còn tăng nhẹ 0,4%... Thống kê cho thấy rổ VN30 có tới 17/30 mã để mất hơn 1% so với đỉnh cao đầu phiên.
Mặc dù độ rộng thể hiện khá tốt trong rổ VN30 nhưng chỉ 5 mã đang tăng hơn 1% là BCM, HDB, MWG, GVR và VPB. Trong đó VPB là mã duy nhất thuộc Top 10 vốn hóa thị trường. Nhóm ngân hàng tuy có VPB và HDB khỏe nhưng toàn bộ các blue-chips còn lại kém. EIB, BAB, BVB, PGB là các cổ phiếu tăng được hơn 1% nhưng sức ảnh hưởng quá nhỏ.
VN-Index hiện không có nhóm cổ phiếu nào dẫn dắt một cách rõ rệt mà chỉ là những mã đơn lẻ thay đổi qua từng phiên. Điều này khá bất lợi trong thời điểm chỉ số bắt đầu “công phá” cùng đỉnh cũ: Mức cao nhất của VN-Index sáng nay là 1.285,19 điểm, trong khi đỉnh cao nhất chỉ số chạm tới hồi tháng 3 vừa qua là 1.293,9 điểm.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng tranh thủ chốt lời rất mạnh: Tổng giá trị bán ròng trên cả 3 sàn đạt 752 tỷ đồng, trong đó riêng HoSE bị rút ròng 608,1 tỷ đồng. Đây là phiên sáng bán ròng cao nhất 7 ngày của khối ngoại. Loạt mã bị xả lớn là VHM -92,3 tỷ, MWG -79,6 tỷ, VNM -76,1 tỷ, HPG -58,2 tỷ, VPB -57,2 tỷ, KBC -36,6 tỷ, HSG -33,6 tỷ, CMG -26,2 tỷ, DGC -25,1 tỷ, VND -24,3 tỷ, CTG -23,7 tỷ. Phía mua có DBC +46,8 tỷ, EIB +28,2 tỷ. Tính riêng rổ VN30 sáng nay bị rút ròng 409,3 tỷ đồng với tổng giá trị bán của khối này chiếm 15,6% giao dịch của rổ.