Trần Nguyên Đán (Tác giả)
- Tiến sĩ kinh tế, Đại học Santa Clara (Mỹ)
- Giảng viên bộ môn Quản trị rủi ro tài chính và Bảo hiểm, Đại học Kinh tế TP.HCM.
Bảo hiểm là phương thức quản lý rủi ro trước những tổn thất tài chính không dự báo trước, xảy ra ngẫu nhiên như thương tật, tử vong…
Khi xảy ra sự cố, người đóng bảo hiểm có quyền được hưởng khoản tiền trợ cấp do công ty bảo hiểm chi trả. Khoản hỗ trợ này được xác định tùy thuộc vào số tiền bạn đóng bảo hiểm và mức độ rủi ro bạn gặp phải.
Ví dụ: Khi xe của bạn va chạm giao thông, bảo hiểm xe cơ giới sẽ chi trả một khoản phí. Số tiền này tương ứng với các đề mục đền bù thiệt hại đã được liệt kê trong hợp đồng bảo hiểm.
Từ năm 2021, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 76 doanh nghiệp kinh doanh với rất nhiều chính sách, quyền lợi. Điều này khiến nhiều bạn trẻ bối rối, hoang mang giữa hàng trăm lời mời gọi, giới thiệu bảo hiểm khác nhau.
Tuy nhiên, trước hết, bạn cần quan tâm và phân biệt rõ về 2 loại hình bảo hiểm hiện hành:
Bảo hiểm phi nhân thọ: Là loại hình bảo hiểm được thiết kế để bảo vệ sức khỏe con người và các tài sản khác như xe cộ, nhà cửa… Khách hàng sẽ được chi trả, bồi thường nếu gặp phải rủi ro do tai nạn, bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân hoặc gặp phải những tổn thất về tài sản.
Những loại bảo hiểm phi nhân thọ thường thấy là bảo hiểm sức khỏe, tai nạn con người; bảo hiểm cháy nổ; bảo hiểm xe cơ giới; bảo hiểm hàng không…
Bảo hiểm nhân thọ: Là sản phẩm của công ty bảo hiểm nhân thọ nhằm bảo vệ tài chính cho người được bảo hiểm trước các rủi ro liên quan sức khỏe, thân thể và tính mạng.
Công ty bảo hiểm nhân thọ cam kết chi trả tiền bảo hiểm cho người đóng bảo hiểm khi người này không may xảy ra rủi ro và đóng phí định kỳ theo thời hạn thỏa thuận từ 5, 10, 20 hoặc 30 năm.
Thời gian qua, hình thức đầu tư thông qua bảo hiểm không được nhiều người trẻ lựa chọn bởi tỷ lệ sinh lời khiêm tốn. Ảnh: Pixabay/Pexels.
Hiện tại, có 3 gói bảo hiểm nhân thọ phổ biến, được nhiều bạn trẻ tham gia ngày càng đông, bao gồm:
Bảo hiểm trọn đời (bảo vệ suốt cuộc đời cho người được bảo hiểm)
Bảo hiểm hưu trí (cung cấp thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động)
Bảo hiểm liên kết đầu tư (nhận được khoản tiền lợi nhuận từ hoạt động đầu tư của công ty bảo hiểm phối hợp với các quỹ tài chính).
Bảo hiểm giữ tiền cho bạn bằng cách nào?
Trước đây, nhiều người có tâm lý rằng bảo hiểm không quá cần thiết, cũng không sinh lời cao như các hình thức đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán hoặc crypto. Chỉ đến khi gặp phải biến cố, họ mới bắt đầu tìm hiểu về bảo hiểm.
Ngoài ra, một số đại lý bảo hiểm chưa thực sự nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo hiểm trong quản trị rủi ro tài chính. Cùng với đó, những lo ngại về thủ tục, khoản bồi thường khi cá nhân gặp sự cố khiến tỉ lệ người mua bảo hiểm tại Việt Nam chênh lệch khá lớn so với thế giới.
Nhưng hiện nay, thực tế trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu của mình, tôi nhận thấy nhiều bạn trẻ đang quan tâm nhiều hơn về quản trị rủi ro tài chính qua kênh bảo hiểm.
Họ xem đây không chỉ là cách bảo vệ sức khoẻ tài chính mà còn là kênh đầu tư hiệu quả để tích lũy thêm tài sản cho cá nhân.
Theo tôi, có 2 hình thức quản trị tài chính mà các bạn trẻ cần lưu tâm khi lựa chọn các sản phẩm bảo hiểm:
Thứ nhất, quản trị bảo hiểm thuần: Đây là hình thức bảo vệ tài sản của bạn trong tình huống bệnh tật, tai nạn, hư hỏng xe cộ, cháy nổ tài sản… Các công ty bảo hiểm sẽ chi trả một phần lớn thiệt hại về tài chính cho bạn.
Ví dụ: Bạn phải nằm viện vì ốm đau trong thời gian 3 tháng. Công ty bảo hiểm sẽ chi trả 2 khoản tiền cho bạn: Chi phí điều trị, chữa bệnh; và thiệt hại về kinh tế khi bạn không thể làm việc trong thời gian điều trị bệnh tương tương đương với thu nhập trung bình bạn nhận được.
Điều này giúp bạn không bị thâm hụt về kinh tế khi bạn có vấn đề về sức khỏe, giữ bình ổn quỹ tài chính cá nhân của bạn.
Thứ hai, quản trị bảo hiểm đầu tư: Bên cạnh bảo vệ bạn trước rủi ro sức khỏe, tài sản…, các công ty bảo hiểm còn liên kết với các quỹ tài chính được nhà nước cấp phép để đầu tư thông qua hình thức trái phiếu, cổ phiếu…
Đây là hình thức đầu tư dài hạn từ 5 năm trở lên với khả năng sinh lời khoảng 11-12% (ở hiện tại). Các bạn trẻ không cần dành quá nhiều thời gian tìm hiểu thị trường tài chính bởi các chuyên gia trong lĩnh vực này sẽ giúp bạn đầu tư hiệu quả, an toàn.
Qua đó, các bạn sẽ phòng tránh các rủi ro khi bạn tự đầu tư đơn lẻ, có thể tập trung thời gian để tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn ở công việc tạo ra nguồn thu nhập chính của bạn.
Trẻ tuổi, ít tiền, mua bảo hiểm gì?
Theo tôi, với lợi thế sức khỏe tốt, người trẻ tuổi nên tham gia bảo hiểm sớm bởi chi phí đóng bảo hiểm càng rẻ và quyền lợi bảo hiểm cao hơn.
Sau đây, tôi gợi ý một số loại hình bảo hiểm mà các bạn trẻ có thể cân nhắc, lựa chọn:
Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo: Đây là gói bảo hiểm hàng đầu mà tôi cho rằng bạn cần mua ngay.
Với loại hình này, bạn cần dành khoảng 400 đồng/ngày để nhận được quyền lợi bảo hiểm khoảng 405 triệu đồng nếu không may mắc một trong 77 căn bệnh hiểm nghèo được Bộ Y tế công nhận.
Trong đó, các gói bảo hiểm còn được liên kết với hệ thống bệnh viện uy tín để bạn an tâm điều trị trong điều kiện y tế và cơ sở vật chất tối ưu.
Việc tham gia bảo hiểm ILP giúp bạn được được bảo vệ sức khỏe, đồng thời có một khoản sinh lời tương đương 11-12%/năm. Ảnh: Karolina Grabowska/ Pexels.
Bảo hiểm sức khỏe: Đây loại hình bảo hiểm mà người có vấn đề về sức khỏe, ốm đau, bệnh tật, gặp tai nạn… được công ty bảo hiểm thanh toán viện phí và tiền thuốc theo thỏa thuận hợp đồng. Tùy thuộc vào hình thức bảo hiểm (nhân thọ hay phi nhân thọ), người hưởng bảo hiểm sẽ nhận được khoản hỗ trợ khác nhau.
Có 3 gói bảo hiểm thường thấy trong loại hình này:
- Bảo hiểm tai nạn: Người mua bảo hiểm được chi trả cho các khoản chi phí phát sinh trong quá trình điều trị và hồi phục hồi sức khỏe sau chấn thương do tai nạn.
- Bảo hiểm y tế: Bảo hiểm y tế thương mại hay còn gọi là bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ nhằm mục đích hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh khi người tham gia không may gặp rủi ro ốm đau bệnh tật, tai nạn...
- Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe: Là sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ chi phí điều trị và trợ cấp cho người tham gia trong trường hợp ốm đau, bệnh tật, phẫu thuật, tai nạn, thai sản trong gói bảo hiểm nhân thọ của các công ty bảo hiểm.
Khi chọn bảo hiểm bảo vệ thân thể phù hợp với cá nhân, bạn cần tìm hiểu rõ thông tin về giới hạn chi trả, các điều kiện để bạn được thanh toán trong trường hợp bạn gặp rủi ro về sức khoẻ.
Các tiêu chí bạn cần lưu ý: Nơi điều trị (bệnh viện công lập hay tư nhân, trong hay ngoài nước), bệnh khám chữa (nha khoa, sản khoa, điều trị ung thư, mổ ghép nội tạng…), hình thức chăm sóc sức khoẻ (nội trú hay ngoại trú), tỉ lệ % chi trả bảo hiểm…
Bảo hiểm tích lũy (liên kết đầu tư) - ILP: Với loại hình này, doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với quỹ đầu tư tài chính dưới 2 hình thức là liên kết chung (sử dụng một hình thức đầu tư như trái phiếu Chính phủ, doanh nghiệp) hay liên kết đơn vị (sử dụng nhiều quỹ đầu tư với đa dạng loại hình đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu…).
Lời lãi ra sao khi mua bảo hiểm liên kết đầu tư?
So với các hình thức đầu tư khác như bất động sản hay cổ phiếu, ILP có tỷ lệ sinh lời khiêm tốn hơn. Trung bình, lợi nhuận đầu tư ILP chỉ đạt khoảng 11-12%/năm với thời hạn đầu tư trên 10 năm. Nhưng bù lại, đây là kênh đầu tư an toàn, độ rủi ro sẽ hạn chế, phù hợp với những bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm về tài chính.
Trên thực tế, ILP được nhiều người lựa chọn song song các hình thức đầu tư khác. Việc đa dạng các hình thức đầu tư sẽ giúp họ chủ động phòng tránh rủi ro khi thị trường tài chính thay đổi bất thường do ảnh hưởng của các yếu tố về kinh tế, chính trị và hạn chế tình trạng thua lỗ khi mới bắt đầu đầu tư.
So với hình thức đầu tư bất động sản hoặc chứng khoán, nhìn chung, ILP có tỷ lệ sinh lời khiêm tốn hơn. Ảnh: Mikhail Nilov/Pexels.
Trong ví dụ dưới đây, tôi sẽ phân tích rõ hơn về cách cân đối các khoản tiền khi bạn quyết định tham gia bảo hiểm để đầu tư:
Giả sử, bạn có mức thu nhập 200 triệu đồng/năm. Sau khi trừ đi các khoản sinh hoạt phí và mua sắm, theo tôi, bạn nên để ra tối thiểu 1/4 thu nhập (tương đương 50 triệu đồng/năm) để đầu tư, sinh lời. Trong đó:
- 20 triệu đồng nên được gửi vào tài khoản ngân hàng, phòng bị cho các trường hợp khẩn cấp.
- 30 triệu đồng còn lại sử dụng để mua bảo hiểm nhân thọ. Lúc này, bạn sẽ nhận được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện và mức lợi nhuận trung bình đạt 33,6 triệu đồng đồng (sinh lời 11-12%/ năm). Số tiền này có được nhờ công ty bảo hiểm sử dụng tiền của bạn để đầu tư nhiều danh mục như cổ phiếu, trái phiếu thông qua hình thức liên kết giữa các công ty quản lý quỹ.
Ngoài ra, bạn cũng nên dành 5% thu nhập năm (tương ứng 10 triệu đồng) để mua một trong các loại bảo hiểm như bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, sức khỏe, xe cơ giới..., giúp quản trị các rủi ro không dự báo trước như ốm đau, tai nạn, hư hỏng tài sản.