Trải qua một năm biến động cả về tài chính lẫn việc làm, người trẻ có cách tiếp cận khác khi chuẩn bị quà Tết cho gia đình. Nhiều người vẫn chọn những tặng phẩm thông thường, trong khi một số khác tìm kiếm các xu hướng mới mẻ và mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, văn hóa biếu quà Tết rất phổ biến ở Việt Nam. Vào dịp Tết Nguyên đán đầu năm 2022, người dân khu vực thành thị có xu hướng mua sắm sớm hơn với mức tăng trưởng 3%, còn nông thôn tăng 6% so với Tết 2020.
Những tiêu chí chọn quà cũng sẽ có sự thay đổi mức độ ưu tiên theo thứ tự: giá tiền, tính thực tiễn sử dụng và bao bì.
Zing trò chuyện cùng 5 bạn trẻ để lắng nghe những kế hoạch và cách họ chọn quà Tết cho gia đình.
Nhẫn kim cương
Nam Võ (28 tuổi, TP.HCM), kinh doanh
Tôi vừa có chuyến công tác Thái Lan cách đây một tuần. Sau khi giải quyết xong công việc, tôi tranh thủ ở lại mua sắm, du lịch.
Tôi biết năm nay Tết đến khá sớm, đến thời điểm hiện tại, tôi cũng chưa dự định được sẽ sắm sửa gì thêm cho Tết.
Nhưng tôi muốn tặng cho mẹ một món quà bất ngờ, đó là chiếc nhẫn có đính viên kim cương. Cả mẹ và tôi đều là người yêu thích món hiện kim này.
Tôi chọn ngay sản phẩm Tiffany&Co có giá 170.000 USD (hơn 4 tỷ đồng) để làm quà Tết cho mẹ.
Kim cương ngoài giá trị vật chất, còn có giá trị tinh thần rất lớn đối với những tín đồ mê trang sức.
Trong tiếng Hy Lạp kim cương được gọi là "Amadas", có nghĩa không thể phá huỷ, trường tồn và vĩnh viễn. Đó là lý do vật phẩm này chỉ nên được tặng cho những người bạn rất yêu quý. Với tôi, người quan trọng đó không là ai khác ngoài mẹ.
Chuyến du lịch nghỉ dưỡng
Kim Hà (26 tuổi, TP.HCM), luật sư cố vấn
Đầu năm 2022, tôi có dịp dành một đêm nghỉ ngơi trên du thuyền ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Ngoài đưa đón tận nơi, dùng bữa với đầu bếp 5 sao, tôi còn được tham gia các hoạt động trên vịnh như ngắm cảnh, bơi lội, chèo kayak.
Nếu không thích các dịch vụ này, du khách có thể tận hưởng thời gian thư giãn riêng tư và đi dạo trên du thuyền.
Tôi nghĩ trải nghiệm này rất phù hợp với người lớn tuổi như bố mình.
Bố tôi sẽ không đồng ý đi du lịch vào những ngày đầu năm do bận rộn tiếp khách và họ hàng. Tôi đã bàn bạc với bố, ông đồng ý sẽ tham gia tour vào mùng 10 Tết.
Thời điểm này, đáng tiếc tôi không thể đi cùng vì đã quay trở lại công việc. Tuy nhiên, tôi không quá lo lắng khi bố là người rất biết tận hưởng mọi thứ một mình.
Hiện tại, tôi đã đặt xong vé máy bay, vé du thuyền cho bố. Khi đó là cao điểm di chuyển và du lịch đầu năm nên tất nhiên giá vé không hề rẻ. Tuy nhiên, với tôi đó không là vấn đề. Tôi đi làm cả năm qua, đây chỉ là món quà nhỏ mà tôi dành cho bố mình.
Tặng máy sấy quần áo
Khánh Vinh (26 tuổi, TP.HCM), nhân viên marketing
Tôi vào miền Nam làm việc đã được hơn 2 năm, còn bố mẹ tôi vẫn đang sống tại Hà Nội. Thành thật, vì công việc, tôi ít khi nào có thời gian dành cho gia đình.
Dịp Tết là thời điểm duy nhất tôi có được kỳ nghỉ dài ngày để về nhà nghỉ ngơi, dùng bữa cơm đoàn viên bên người thân.
Năm nay, tôi dự định mua cho bố mẹ một chiếc máy sấy quần áo. Sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, tôi quá hiểu rõ kiểu khí hậu nồm ẩm khắc nghiệt ở miền Bắc.
Mỗi lần gọi điện về thăm nhà, mẹ chỉ bâng quơ bảo tôi rằng thời tiết ẩm ướt quá, đồ đạc phơi không thể khô. Những lần như thế khiến tôi nhận ra gia đình mình cần một chiếc máy sấy.
Máy sấy quần áo hiện tại giá không quá cao. Tôi đã đi tham khảo trước tại một vài cửa hàng điện máy ở TP.HCM để xem kiểu dáng, giá tiền nào phù hợp. Tôi nhẩm tính bỏ ra khoảng 9 triệu đồng là đã có thể tặng bố mẹ một món đồ công nghệ chất lượng, giải quyết được nhiều vấn đề.
Tết này, mẹ tôi sẽ không còn lo lắng vì quần áo mãi không khô, ẩm và có mùi khó chịu nữa.
Bộ sưu tập tiền giấy các nước
Thanh Trúc (23 tuổi, TP.HCM), nhân viên ngân hàng
Từ khi có công việc ổn định, năm nào tôi cũng trích một phần thưởng Tết để mua quà biếu ba mẹ.
Gia đình tôi có sở thích sưu tầm tiền giấy của các nước nên cứ đầu năm mới, tôi sẽ săn tìm những tờ tiền mới lạ kèm theo những món quà đặc biệt. Tặng tiền vào dịp Tết mang nhiều ý nghĩa may mắn, thịnh vượng.
Năm ngoái, tôi đã tặng tờ 20 bảng Anh và một đồng Ngultrum (Bhutan) với ý nghĩa mong muốn ba mẹ cũng hạnh phúc, thịnh vượng như tên gọi khác của hai quốc gia này.
Thông thường, tôi sẽ dành khoảng 7-8 triệu đồng cho khoản quà cáp.
Tuy nhiên, do năm nay tôi mới chuyển chỗ làm mới, lương thưởng chưa ổn định, tôi định giảm khoảng 20% để phù hợp với ngân sách hiện tại.
Tầm 22-23 Tết Âm lịch, khi đã hoàn thành những KPI cuối cùng, tôi mới sắm sửa mọi thứ.
Tết năm nay, tôi dự tính tặng ba mẹ đồng Franc của Pháp vì trong bộ sưu tập của gia đình chưa có.
Ngoài ra, tôi cũng mua sẵn một chỉ vàng 9999 để gói chung với phần quà. Hy vọng ba mẹ sẽ thích món quà của tôi.
Tặng mỹ phẩm
Thiên An (21 tuổi, TP.HCM), sinh viên
Tôi lên kế hoạch quà cáp cho bố mẹ từ khá lâu. Vì vẫn còn là sinh viên, chưa có công việc chính thức, tôi phải tích cóp, dự trù kỹ lưỡng để đủ tiền sắm Tết.
Khác với những Tết trước chỉ mua quần áo, bánh kẹo mang về quê, năm nay, tôi dự định tặng mẹ một bộ mỹ phẩm chăm sóc da và một set bia ngoại nhỏ cho bố.
Mẹ tôi là người rất chăm chút ngoại hình và “sợ già” nên tôi đang tìm kiếm những sản phẩm hỗ trợ điều trị lão hóa.
Còn bố tôi thích nhấm nháp bia ngon, vì thế tôi mạnh dạn mua về để đầu năm mới hai bố con cùng “nhậu”.
Thú thực, tôi cân nhắc việc mua quà không quá lâu, chỉ đang phân vân về thương hiệu và giá thành khác nhau của các sản phẩm.
Tạm thời, tôi đang ngắm bộ mỹ phẩm mini của một nhãn hàng nổi tiếng ở Nhật Bản. Tôi cũng không rành về bia rượu nên nhờ bạn bè tư vấn thêm.
Việc phải chi quá nhiều tiền vào cuối năm khiến tôi khá áp lực. Đôi lúc, tôi cảm giác khi thấy người khác mua sắm thì bản thân cũng muốn như vậy. Ngoài ra, chi phí sinh hoạt ở thành phố cũng rất đắt đỏ nên tôi dễ nhẵn túi nếu không kiểm soát chi tiêu cẩn thận.