Trước đề xuất của EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện tức là khi yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, điều này phù hợp với tình hình thực tế của thị trường.
Theo Đại biểu Phạm Văn Hoà, ngành điện tuy độc quyền nhưng họ cũng sản xuất kinh doanh theo thị trường, nếu xăng dầu có biến động về giá thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành điện. Ngành điện thua lỗ mãi sẽ không ổn, thua lỗ thì không thể kinh doanh được, Nhà nước cũng không thể bù đắp cho họ mãi.
“Cho nên việc ngành điện đề xuất áp dụng cơ chế thị trường tôi cho là hợp lý”, Đại biểu Hoà nói.
Tuy nhiên, ông Hòa nhấn mạnh, EVN không thể cộng những chi phí bất hợp lý để đưa vào bù lỗ cho ngành. Do đó, muốn thuyết phục được người dân và các bộ, ngành thì EVN phải công khai chi tiết, chính xác, tỉ mỉ từng khoản lỗ và chi phí sản xuất, chứ không thể chỉ kêu lỗ suốt được.
Đại biểu Quốc hội cũng khuyến cáo, việc điều chỉnh giá điện cần phải xem xét kỹ, xem có phù hợp với thực tế hay không, tác động thế nào đến người dân và nền kinh tế, từ đó Bộ Công Thương và Chính phủ mới đi đến quyết định.
Theo Đại biểu Hoà, Bộ Công Thương với chức năng quản lý Nhà nước và Chính phủ phải xem xét lại đề xuất và quan trọng là chi phí của ngành điện có hợp lý hay không. Nếu không hợp lý thì ngành điện phải cắt bỏ những chi phí không hợp lý. Còn nếu thực tiễn khách quan do giá đầu vào tăng mà ngành điện phải bù lỗ thì cần tăng giá điện.
“Tôi nghĩ rằng cần phải xem xét thật kỹ để làm sao vừa phù hợp, ích nước lợi nhà, vừa tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp, lợi ích cho người dân và đặc biệt là ưu tiên cho người tiêu dùng, ưu tiên cho những nhà máy sản xuất kinh doanh sử dụng điện”, ông Hòa nêu ý kiến.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng cho rằng, việc tăng giá điện hiện nay là nhu cầu cần thiết đối với tình hình của EVN. Tuy nhiên, mức tăng giá như thế nào và tăng khi nào là bài toán của cơ quan chức năng để hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, vì việc tăng giá điện lúc nào cũng là vấn đề nhạy cảm, tác động rất lớn đến số đông. Nhất là hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do nhiều chi phí đầu vào cũng tăng cao. Do vậy, suy đến cùng vẫn phải cân nhắc thấu đáo.
Ngoài ra, theo ông Thịnh, vẫn còn nhiều ý kiến thắc mắc về chi phí cấu thành giá điện, do đó doanh nghiệp cần phải công khai, minh bạch thông tin, có sự giám sát của cơ quan chức năng.
Còn PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, chi phí của ngành điện bao gồm bốn khâu gồm: khâu phát điện; khâu truyền dẫn; khâu phân phối, bán buôn, bán lẻ và chi phí quản lý, vận hành. “Việc điều hành giá điện như cơ chế điều hành giá xăng dầu, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, tôi cho rằng cũng hợp lý”, ông Long nêu quan điểm.
Trước đó, tại Hội nghị về huy động nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN đề xuất điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu.
Lý giải điều này, ông Trần Đình Nhân cho biết, năm nay, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao. Điển hình, giá dầu tăng vài chục phần trăm, giá khí "ăn theo" giá dầu, còn giá than tăng 600% so với đầu năm 2021. Trong khi đó, giá bán điện vẫn giữ bình ổn từ năm 2019 đến nay.
"Các yếu tố nêu trên khiến tình hình tài chính EVN năm nay và thời gian tới gặp nhiều khó khăn. Vấn đề mất cân đối tài chính dẫn đến nguy cơ EVN sẽ không có nguồn chi phí để hoạt động, không có tiền trả cho các đơn vị bán điện cho EVN. Thực trạng này sẽ ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Chính vì vậy, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động, tương tự cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu", ông Nhân nói.