Theo số liệu từ Harvard Business Review được công bố vào tháng 5/2022, 44% người lao động trên toàn cầu có mong muốn tìm kiếm công việc mới. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ gặp khó khăn khi trình bày quyết định này với lãnh đạo, từ đó dẫn đến những tình huống khó xử.
Khi bạn rời đi, công việc chung của một nhóm, tổ chức ít nhiều sẽ có sự thay đổi. Hơn nữa, nếu vị trí của bạn chưa có nhân sự thay thế, quyết định nghỉ việc sẽ càng gây bối rối cho cấp trên.
Trước khi gửi đơn xin chấm dứt công việc, có lẽ bạn sẽ hy vọng nhận được sự đồng thuận, khuyến khích của quản lý. Tuy vậy, bạn vẫn nên đề phòng trường hợp xấu có thể xảy ra.
Dưới đây, Harvard Business Review gợi ý một số giải pháp giúp bạn ứng phó khéo léo với phản ứng của sếp khi xin nghỉ việc.
Sếp tức giận
Một số quản lý có xu hướng tức giận hoặc tỏ ra khó chịu ngay khi bạn xin từ chức.
Họ cảm thấy bị phản bội khi đã dành nhiều thời gian bồi dưỡng, đào tạo bạn.
Hơn nữa, những lãnh đạo này cũng lo lắng khi phải sắp xếp lại công việc, tuyển dụng nhân sự mới.
Tình huống căng thẳng này thường không kéo dài. Trong khoảng thời gian đó, bạn nên cư xử lịch sự và trấn an người quản lý thay vì lập tức rời đi.
Bạn cần bày tỏ lòng biết ơn, ghi nhận sự giúp đỡ, hỗ trợ của họ trong thời gian công tác chung.
Đồng thời, bạn cũng có thể khéo léo trình bày lý do của bản thân, mong họ thông cảm và thấu hiểu.
Sếp coi thường cơ hội mới của bạn
Một số nhà quản lý lại có xu hướng chê bai, hạ thấp cơ hội nghề nghiệp và kế hoạch tương lai của bạn.
Họ có thể nói xấu doanh nghiệp mới, đồng nghiệp, sếp tương lai, hy vọng bạn thay đổi quyết định nghỉ việc.
Trong tình huống này, bạn không nên tranh luận với lãnh đạo. Cuộc tranh cãi này thường tạo ra sự nóng giận, khó chịu cho cả đôi bên.
Sau khi cảm ơn sự quan tâm, bạn có thể tái khẳng định nguyện vọng, hướng đi đã chọn.
Bạn không có nghĩa vụ giải thích thêm hay thuyết phục cấp trên tin vào quyết định của mình.
Sếp đe dọa
Để giữ chân nhân sự, nhiều lãnh đạo cố tình đe dọa, khiến bạn lo lắng.
Họ thường dọa công khai những sai phạm, đưa tin xấu về bạn đến các công ty khác nhằm ngăn chặn mọi cơ hội việc làm tiềm năng.
Khi người quản lý thực hiện hành vi này, bạn có thể chắc chắn về việc rời đi.
Sự dọa nạt này cho thấy họ không phải một cấp trên tốt, đáng học hỏi, noi theo.
Trong trường hợp đó, bạn nên quyết liệt kết thúc cuộc hội thoại và thu dọn đồ đạc ra đi.
Sếp khiến bạn thấy tội lỗi
Đây là chiêu thức nhiều nhà lãnh đạo lựa chọn để níu kéo nhân sự.
Họ liên tục kể về những lần bao che, khoan dung đối với lỗi lầm của nhân viên.
Đặc biệt, nếu có mối quan hệ thân thiết với quản lý, bạn sẽ càng cảm thấy áy náy, tội lỗi.
Cảm giác này sẽ khiến bạn do dự, trì hoãn nghỉ việc.
Tuy nhiên, khi biết việc rời đi là cần thiết, bạn phải kiên quyết với kế hoạch đã đề ra.
Sau khi nói lời cảm ơn, bạn có thể đề nghị tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp với sếp dù không còn đồng hành trong công việc.
Sếp đề nghị tăng lương, thăng chức
Khi thực sự muốn giữ nhân viên lại, các nhà quản lý thường hỏi về yêu cầu của bạn đối với công việc.
Họ có thể đề nghị tăng lương, cân nhắc thăng chức, chuyển đổi bộ phận cho bạn.
Trong trường hợp này, bạn nên xin phép suy nghĩ thêm và đưa ra câu trả lời sau.
Nếu vẫn muốn rời đi, bạn có thể cảm ơn thiện chí của sếp và bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể tiếp tục đồng hành.
Ngược lại, nếu chấp nhận lời đề nghị, bạn cần trao đổi rõ ràng với cấp trên và thể hiện sự trân trọng cơ hội mới.