Theo các quan chức Chính phủ và nhà sản xuất tại Bangladesh, hàng may mặc tồn kho đang chất đống tại các nhà kho của nước này trong bối cảnh người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu và các thị trường lớn khác “thắt lưng buộc bụng” khiến lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm đáng kể.
Số lượng đơn hàng may mặc đến tay các nhà sản xuất Bangladesh - nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc - đã bắt đầu giảm từ hồi tháng 7 do ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh ở Ukraine và các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga, cũng như tác động của lạm phát và lãi suất tăng trên khắp thế giới.
“Mọi thứ đều tăng giá, vì vậy ngân sách dành cho quần áo của người tiêu dùng giảm xuống”, ông Faruque Hassan, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), nói với Financial Times. “Đó là lý do một số thương hiệu và công ty nhập khẩu giảm đặt hàng”.
Ông Hassan cho biết một số hãng bán lẻ đã yêu cầu các nhà cung cấp của Bangladesh ngừng sản xuất hoặc hoãn vận chuyển hàng theo đơn đã đặt trong vòng tối đa 3 tháng.
“Điều này gây ra tác động rất lớn bởi tất cả các nhà máy của chúng tôi đã mua vải để sản xuất và họ đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng”, ông cho biết.
Nhu cầu hàng may mặc toàn cầu suy giảm trong bối cảnh giá khí đốt nhập khẩu tại Bangladesh tăng cao, dẫn tới tình trạng cắt điện trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhà máy dệt may.
Trong khi đó, chính quyền của Thủ tướng Sheikh Hasina Wazed đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào năm sau. Những tuần gần đây, Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) đối lập đã tổ chức một loạt cuộc biểu tình lớn nhằm tận dụng sự bất mãn của dân chúng với nền kinh tế đang suy yếu trước cuộc bầu cử.
Đầu tháng này, Bangladesh đã phải cầu cứu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đạt thỏa thuận về một gói tín dụng 2,3 tỷ USD cũng như một khoản vay khác trị giá 1,3 tỷ USD từ Quỹ tín thác Khả năng phục hồi và bền vững (RST) của IMF – tổ chức chuyên giúp các nước nghèo giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các thách thức dài hạn khác.
Không giống các nước láng giềng trong khu vực như Sri Lanka và Pakistan, Bangladesh hiện chưa xảy ra khủng hoảng thanh khoản. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối của nước này năm nay đã giảm đáng kể trong bối cảnh đồng USD tăng giá và áp lực lên giá cả cũng như nhu cầu của người tiêu dùng.
Sản xuất quần áo và hàng dệt may hiện là ngành công nghiệp lớn nhất của Bangladesh. Sau khi các biện pháp phong tỏa phòng Covid-19 được nới lỏng và gỡ bỏ trên khắp thế giới, ngành này được hưởng lợi lớn khi người tiêu dùng tung tiền “mua sắm trả thù”.
Theo dữ liệu của BGMEA, trong giai đoạn từ tháng 6/2021-6/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của quốc gia Nam Á đạt 42,6 tỷ USD và hàng dệt may đạt 2,6 tỷ USD, chiếm khoảng 85% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tham gia sản xuất hàng thời trang cho các hãng bán lẻ khổng lồ như Walmart, Primark, H&M, Target và nhiều chuỗi cửa hàng toàn cầu khác đã giúp nhiều người dân tại Bangladesh, đặc biệt là phụ nữ, thoát khỏi cảnh nghèo.
“Doanh thu hàng may mặc tăng vọt hậu đại dịch vì khi đó có quá nhiều tiền hỗ trợ từ Chính phủ”. Tuy nhiên, nhu cầu hiện đã giảm mạnh, khiến các hãng bán lẻ chịu tồn kho lớn”, ông Ranjan Mahtani, CEO tập đoàn Epic Group, cho biết. Tập đoàn này có nhà máy tại Bangladesh và kinh doanh tại Mỹ.
Tình trạng cắt điện càng khiến tình hình hình thêm tồi tệ với các nhà sản xuất Bangladesh.
Dù vậy, quan chức Bangladesh vẫn tỏ ra lạc quan với tình hình trước mặt. Chia sẻ với Financial Times, Bộ trưởng Thương mại Bangladesh Tipu Munshi xác nhận kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của nước này đang giảm, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng mọi người sẽ “vẫn phải mặc quần áo” kể cả trong những giai đoạn kinh tế khó khăn hơn.
“Có thể các bạn sẽ chỉ mua 2 trong số 4 mặt hàng quần áo của chúng tôi, nhưng các bạn sẽ vẫn phải mua. Và không ai có thể cạnh tranh giá với chúng tôi”, ông nói.