Theo Bloomberg, trước khi tuyên bố phá sản, đế chế tiền số FTX của Sam Bankman-Fried từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của các công tố viên liên bang Mỹ cho một cuộc điều tra quy mô lớn.
Nguồn tin từ cuộc điều tra cho biết Văn phòng luật sư Mỹ ở New York đã dành ít nhất vài tháng để điều tra sâu rộng các nền tảng tiền số của Mỹ và các chi nhánh nước ngoài. Cùng lúc đó, cơ quan điều tra cũng bắt đầu thâm nhập vào các hoạt động trao đổi quy mô lớn của FTX.
Trọng tâm của cuộc điều tra là Đạo luật Bảo mật Ngân hàng, yêu cầu các tổ chức tài chính phải thực hiện đầy đủ những bước ngăn chặn hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Được biết, cuộc điều tra này nhằm truy quét các nền tảng tiền số bị cáo buộc không phục vụ cho lợi ích của khách hàng tại Mỹ.
Tuy nhiên, FTX đã tuyên bố phá sản theo Chương 11, luật của Mỹ vào ngày 10/11. Không rõ liệu các công tố viên ở Manhattan có đưa ra bất kỳ kết luận nào trong cuộc điều tra của họ trước khi đế chế này sụp đổ hay không. Nguồn tin cho biết sự cố FTX phá sản đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc điều tra liên bang nhắm vào các nền tảng tiền số.
Cuộc càn quét kéo dài nhiều tháng cũng là bằng chứng cho thấy các hoạt động mở rộng kinh doanh của FTX đã bị đặt dấu hỏi ngay cả trước khi sụp đổ.
Sự thật sau đó được tiết lộ khi CEO mới của FTX là John J. Ray III công bố tài liệu gửi lên tòa án nhấn mạnh một số chi tiết đáng báo động dưới thời nhà sáng lập Sam Bankman-Fried như phần mềm che giấu việc lạm dụng tiền của khách hàng. Alameda Research, quỹ do chính Bankman-Fried thành lập được bí mật miễn trừ trong chính sách giao dịch của FTX.