Theo tờ New York Times, Tiktok là nền tảng đang thu hút đến 100 triệu người dùng Mỹ với vô số doanh thu quảng cáo trực tuyến. Thế nhưng có vẻ như chẳng công ty nào mua nổi, hoặc chịu bỏ số tiền lớn ra mua lại Tiktok khi bị chính phủ Mỹ ép “bán mình”.
Câu chuyện chính quyền Washington yêu cầu Tiktok phải tách khỏi công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc nếu còn muốn hoạt động ở Mỹ đã không có gì lạ, nhưng với mức giá theo ước tính của NYT vào khoảng 50 tỷ USD hoặc thậm chí hơn, không phải tập đoàn nào cũng mua nổi. Ngay cả với đối thủ Snap, mức giá này cũng là quá đắt đỏ để thâu tóm Tiktok.
Chỉ có một vài công ty chịu được số tiền này, như Meta (Facebook), Google hay Microsoft. Thế nhưng theo NYT, các tập đoàn này không mặn mà lắm với việc mua Tiktok vì lo lắng dính vào những vụ kiện tụng liên quan đến độc quyền, bảo vệ dữ liệu người dùng... tại Mỹ.
Bài học Elon Musk mua Twitter vẫn còn đó, việc tiếp quản một mạng xã hội không chỉ đơn giản là chi tiền mà còn phải giải quyết vô số thứ nhức đầu, từ những bình luận ác ý, nội dung độc hại đến việc phải chiều lòng khách hàng doanh nghiệp.
Thêm vào đó, hiện vẫn chưa rõ Tiktok có tách hoàn toàn khỏi ByteDance để “bán mình” hay không, và liệu chính phủ Trung Quốc có đồng ý với điều này hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Gánh nặng
Chuyên gia Brian Wieser của mảng truyền thông và quảng cáo trả lời phỏng vấn tờ NYT rằng Tiktok có quá nhiều gánh nặng và điều đó khiến việc thâu tóm nền tảng này không hề dễ dàng.
Ví dụ như liệu ByteDance có bán hoàn toàn Tiktok cho chủ mới hay sẽ thỏa thuận một hợp đồng ràng buộc? Liệu chính phủ Mỹ có chấp nhận hợp đồng này hay lại bắt đầu một cuộc chiến kéo dài mới?
Với sự nổi tiếng của mình, Tiktok đã trở thành nạn nhân trong cuộc đấu khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc. Dù không riêng gì Tiktok mà còn hàng loạt nền tảng đến từ Trung Quốc như Shein hay Temu nhưng các chính trị gia lại chỉ nhắm vào ứng dụng quay video này để chỉ trích.
Hiện nhiều bang tại Mỹ đã ban hành lệnh cấm các thiết bị công quyền được cài đặt Tiktok, trong khi dự luật cấm toàn diện nền tảng này trên đất Mỹ đang được thảo luận.
Tờ NYT đã liên hệ với hàng loạt công ty nổi tiếng như Apple, Amazon, Google, Meta, Microsoft và Twitter về việc có hứng thú mua lại Tiktok không nhưng đều bị từ chối trả lời.
Cách đây 3 năm dưới quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó, Tiktok cũng chịu áp lực phải “bán mình” và Microsoft cùng Oracle cũng hứng thú. Thế nhưng việc Trung Quốc thông qua đạo luật mới vào năm 2020 cho phép chính phủ chặn một thương vụ như của Tiktok đã khiến nhiều người mua nản lòng.
Mặc dù có thông tin Oracle và Walmart đạt được thỏa thuận mua cổ phần của Tiktok nhưng thương vụ này chưa bao giờ được công bố hay thông báo giao dịch thành công.
Chống độc quyền
“Việc mua lại Tiktok cứ như một cái bẫy vậy. Nền tảng này đã có 2 năm phát triển và đang có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên mạng xã hội Mỹ. Bởi vậy việc thâu tóm công ty này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đi kèm”, chuyên gia Glenn S.Gerstell của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) nhận định.
Đầu tiên là luật chống độc quyền khi Bộ tư pháp và Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) đều đang ngày càng lo lắng trước thực trạng các tập đoàn lớn gia tăng mua lại, sáp nhập những công ty khác.
Trước đây, FTC đã cố gắng ngăn cản nhưng không thành công việc Meta mua lại một startup về vũ trụ ảo. Hiện cơ quan này đang cố ngăn chặn Microsoft mua lại hãng game Activision Blizzard.
“Tôi cho rằng những nỗi lo về luật chống độc quyền sẽ ảnh hưởng đến quyết định sáp nhập của các doanh nghiệp. Những ông lớn công nghệ sẽ phải suy nghĩ rất kỹ về rủi ro vi phạm luật này trước khi mua bất cứ doanh nghiệp nào, dù công ty đó có không cùng mảng thì vẫn có thể bị coi là gây nên sự độc quyền trong ngành công nghệ”, William J.Baer, cựu cục trưởng cục chống độc quyền thuộc Bộ tư pháp Mỹ nhận định.
Nguồn tin của NYT cho biết tinh thần nhân viên Tiktok tại Mỹ hiện đang xuống thấp khi nhiều bang cấm nền tảng này, trong khi các lãnh đạo công ty thì luôn than phiền rằng dù ByteDance có thoái vốn thì nỗi lo về bảo mật thông tin người dùng của các chính trị gia Mỹ vẫn sẽ không biến mất.
*Nguồn: NYT