Mỹ đang thúc giục các đồng minh, bao gồm Nhật Bản, cùng tham gia áp đặt hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến và công nghệ liên quan sang Trung Quốc. Động thái này có thể làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của căng thẳng Mỹ-Trung đối với các nhà sản xuất chip trên thế giới.
Nikkei Asia dẫn nguồn tin từ Chính phủ Nhật cho biết Tokyo đã bắt đầu thảo luận nội bộ về vấn đề này theo yêu cầu của phía Washington. Các quan chức Nhật đang cân nhắc các biện pháp hạn chế đối với lĩnh vực bán dẫn có thể áp dụng tại nước này, đồng thời quan sát xem các đồng minh khác của Mỹ, như Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc, phản ứng ra sao.
“Chúng tôi đang thảo luận với phía Mỹ và dựa theo đó để tổ chức các buổi làm việc với các doanh nghiệp trong nước”, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nói với truyền thông ngày 1/11.
Trước đó, hôm 7/10, Bộ Thương mại Mỹ công bố mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất chip, phần mềm thiết kế chip và thậm chí hạn chế cả kỹ sư hỗ trợ hoạt động sản xuất chip ở Trung Quốc.
"Chúng tôi đang bàn bạc với đồng minh. Không bên nào ngạc nhiên. Và tất cả đều biết rằng chúng tôi mong đợi họ sẽ có hành động tương tự như chúng tôi”, ông Alan Estevez, Thứ trưởng phụ trách công nghiệp và an ninh của Bộ Thương mại Mỹ, cho biết tại một sự kiện của một tổ chức nghiên cứu Mỹ tổ chức tuần trước.
Theo các nhà phân tích, việc Washington kêu gọi các đồng minh áp đặt hạn chế tương tự sẽ khiến Bắc Kinh gặp khó khăn hơn nhiều trong việc nhập khẩu và chế tạo chất bán dẫn tiên tiến phục vụ cho quân đội đang mở rộng nhanh chóng của mình.
“Tôi cho rằng việc giải quyết mối quan tâm chung về Trung Quốc sẽ tạo cơ hội cho Chính phủ Nhật Bản và Mỹ giảm bớt rào cản thương mại giữa hai nước”, ông Kevin Wolf, trợ lý Bộ trưởng Thương mại về quản lý xuất khẩu trong chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, nói. “Việc này chắc sẽ thúc đẩy hợp tác khăng khít hơn giữa Nhật Bản và Mỹ, cũng như có ít hạn chế hơn trong việc cùng phát triển và sản xuất các loại chip tiên tiến”.
Ngoài việc xuất khẩu chip và công nghệ sản xuất chip, các lệnh cấm của Washington cũng hạn chế công dân Mỹ làm việc hoặc kinh doanh với các công ty bán dẫn Trung Quốc.
Nhiều kỹ sư người Mỹ đang làm việc tại các cơ sở sản xuất chip của Trung Quốc đã bắt đầu quay trở lại Mỹ. Nhà sản xuất thiết bị chip Hà Lan ASML Holding mới đây đã yêu cầu các nhân viên Mỹ ngừng phục vụ khách hàng ở Trung Quốc.
Mỹ hiện chiếm khoảng 12% thị phần bán dẫn toàn cầu, trong khi Nhật chiếm 15%, còn Đài Loan và Hàn Quốc đều nắm giữ khoảng 20%. Một số công ty Mỹ đã kêu gọi các quốc gia khác cũng áp đặt biện pháp hạn chế tương tự như của Mỹ. Họ cho rằng không bằng khi chỉ có doanh nghiệp Mỹ bị mất cơ hội làm ăn với Trung Quốc.
Tại Nhật, các công ty bán dẫn đang chuẩn bị cho khả năng Chính phủ sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế tương tự như của Mỹ.
“Nếu việc sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc phải dừng lại, nhu cầu thiết bị sản xuất tiên tiến với giá trị gia tăng cao sẽ giảm xuống trong khi đây là một trong những thế mạnh của Nhật”, đại diện một nhà sản xuất thiết bị chip lớn cho biết.
Một tổ chức ngành bán dẫn ước tính thị trường thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc đạt giá trị khoảng 22 tỷ USD năm nay, chiếm 22% toàn cầu, chỉ sau Đài Loan và Hàn Quốc. Trong khi Tokyo chưa có kế hoạch rõ ràng cho vấn đề này, các doanh nghiệp như Nikon đang xem xét những tác động tiềm tàng của các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh của họ.
Việc không thể tiếp cận một thị trường hàng đầu có thể khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp này giảm hơn nữa trong bối cảnh thị trường đang suy thoái. Công ty thiết bị sản xuất chip Applied Materials có trụ sở tại Mỹ đã hạ dự báo lợi nhuận trong ba tháng 8-9-10 do các biện pháp hạn chế mới của Chính phủ. Công ty này dự báo doanh thu ba tháng này chỉ đạt khoảng 250-550 triệu USD.