Theo CNBC, phát biểu trước cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương thuộc G20, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định việc áp giá trần đối với dầu Nga là rất quan trọng để hạ nhiệt lạm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 của Mỹ đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng cao nhất trong vòng 40 năm.
Theo bà, cần nỗ lực kiềm chế 2 mối nguy lớn từ xung đột Nga - Ukraine đối với nền kinh tế toàn cầu. Đó là tình trạng mất an ninh lương thực và giá nhiên liệu tăng cao, vốn đang càn quét nước Mỹ và toàn thế giới.
Bà cho biết chi phí năng lượng tăng cao đã góp phần lớn vào đà tăng lạm phát của Mỹ.
Công cụ mạnh mẽ
"Chúng ta đang chứng kiến những tác động tiêu cực lan tỏa từ cuộc chiến Nga - Ukraine tới mọi ngóc ngách trên thế giới, nhất là khi giá năng lượng và tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng", bà Yellen bình luận.
Bà cho biết Mỹ đang thảo luận với các quốc gia khác để "giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực, thiết kế và áp dụng mức giá trần đối với dầu của Nga".
Mức giá trần đối với dầu Nga là một trong các công cụ mạnh mẽ nhất để đối phó với những khó khăn mà người Mỹ và các hộ gia đình trên toàn thế giới đang phải gánh chịu
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen
"Mức giá trần đối với dầu Nga là một trong các công cụ mạnh mẽ nhất để đối phó với những khó khăn mà người Mỹ và các hộ gia đình trên toàn thế giới đang phải gánh chịu", bộ trưởng tài chính Mỹ nhấn mạnh.
"Việc giới hạn giá dầu cũng sẽ chặn nguồn thu mà cỗ máy chiến tranh của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin cần", bà nhấn mạnh.
Giá dầu thế giới đã tăng mạnh sau khi các nước phương Tây giảm nhập khẩu dầu Nga. Giá có lúc vượt ngưỡng 120 USD/thùng vào tháng 3. Giới quan sát cảnh báo những đòn trừng phạt tiếp theo có thể đẩy giá lên 175 USD/thùng.
Bà Yellen hy vọng kế hoạch áp giá trần sẽ thu hút các công ty nhập khẩu dầu của Nga. Bởi họ sẽ không phải gánh chi phí do những lệnh cấm liên quan đến tài chính và bảo hiểm đối với các giao dịch mua bán dầu Nga.
Cuối tháng 6, các lãnh đạo G7 (nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới) đã nhất trí sẽ bàn bạc về cách áp giá trần đối với dầu Nga thông qua sức mạnh của ngành công nghiệp bảo hiểm và dịch vụ.
Với kế hoạch đặt giới hạn giá đối với dầu của Nga, phương Tây muốn ngăn Nga thu lợi từ cuộc chiến ở Ukraine nhờ giá năng lượng tăng vọt, đồng thời giảm thiểu thiệt hại đối với kinh tế toàn cầu do lạm phát.
Nỗ lực từ phía Mỹ
G7 hy vọng các nước nhập khẩu dầu trên thế giới sẽ tham gia chương trình áp giá trần. Theo đó, những công ty nhập khẩu muốn sử dụng dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển của G7 hoặc EU đối với dầu của Nga cần phải tuân thủ giới hạn giá.
Cuối tháng trước, Liên minh châu Âu đã áp đặt lệnh cấm bảo hiểm đối với các tàu vận chuyển dầu của Nga.
Theo nguồn tin của Bloomberg, giới chức Mỹ cũng thảo luận về một số công cụ thực thi, bao gồm những hạn chế đối với các công ty vận tải đồng ý vận chuyển dầu với giá cao, và những biện pháp trừng phạt các ngân hàng, tổ chức tài chính tạo điều kiện cho những giao dịch vượt mức giá trần.
"Do đó, tôi hy vọng rằng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thấy rằng việc áp mức giá trần sẽ phục vụ lợi ích của chính họ, khi cái giá mà họ phải trả giảm đi", bà Yellen lập luận.
Bà cho rằng nếu không tham gia chương trình áp giá trần, nhiều quốc gia nhập khẩu dầu của Nga sẽ bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm từ phía Mỹ, Anh và EU.
"Nếu không đặt ra giới hạn giá, các lệnh cấm sẽ khiến giá dầu toàn cầu tăng lên đáng kể", vị bộ trưởng cảnh báo.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Mỹ và các đồng minh đang bàn bạc về việc áp giá trần đối với dầu Nga trong khoảng 40- 60 USD/thùng. Phương Tây sẽ đưa ra mức giá trần dựa trên chi phí sản xuất của Nga và giá dầu của nước này trước xung đột ở Ukraine. Nguồn tin tiết lộ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng mức 40 USD/thùng là quá thấp.
Giới phân tích cho rằng mức giá trần sẽ cao hơn chi phí sản xuất của Nga, nhưng không cao hơn quá nhiều, để duy trì động lực xuất khẩu. Tuy nhiên, mức giá trần sẽ còn phụ thuộc vào điều kiện thị trường thời điểm đó.