Theo nguồn tin thân cận của tờ báo Wall Street Journal (WSJ), Mỹ đang dự thảo các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số ngân hàng Trung Quốc được cho là đang hỗ trợ hoạt động sản xuất quân sự của Nga. Biện pháp trừng phạt có thể bao gồm loại bỏ các ngân hàng này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Trung Quốc hiện là nhà cung cấp chính đối với linh kiện máy bay, công cụ và máy móc cho Nga. Washington cho rằng sự hỗ trợ này của Bắc Kinh cho phép Moscow củng cố năng lực sản xuất quân sự.
Theo giới phân tích, phương Tây đang lo lắng về hoạt động sản xuất quân sự của Nga – điều được Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và các quan chức Chính phủ Mỹ khác cảnh báo tới các nước đồng minh tại cuộc họp của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại Capri, Italy tuần trước.
“Trung Quốc không thể có tất cả. Họ không thể vừa muốn có mối quan hệ thân thiện với các nước châu Âu, vừa góp phần thúc đẩy một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh lạnh”, ông Blinken phát biểu tại Capri.
Ông Blinken dự kiến có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 24-26/4. Nguồn tin của WSJ cho biết chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ dự kiến sẽ trao đổi về việc một số ngân hàng Trung Quốc có thể mất quyền tiếp cận đồng USD. Đây là các ngân hàng được cho là đóng vai trò trung gian quan trọng cho hoạt động xuất khẩu thương mại của Trung Quốc sang Nga, xử lý các giao dịch thanh toán và cấp tín dụng cho các doanh nghiệp.
Trong khi đó, người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho rằng các hoạt động xuất khẩu như trên là hợp pháp và nói rằng Mỹ đang đưa ra “những cáo buộc vô căn cứ”.
“Trung Quốc có quyền thực hiện trao đổi thương mại và kinh tế bình thường với Nga và các quốc gia khác trên thế giới trên cơ sở bình đẳng và vì lợi ích chung. Và quyền này không nên bị can thiệp hoặc làm gián đoạn", người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nói với Wall Street Journal. “Mỹ nên dừng ngay lập tức việc áp đặt trừng phạt đơn phương tới các cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc”.
Theo một số quan chức Chính phủ Mỹ, việc trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc là một lựa chọn trong trường hợp việc đàm phán thuyết phục Bắc Kinh kiểm soát hoạt động xuất khẩu sang Nga không thành công. Những tuần gần đây, các quan chức Mỹ cũng gia tăng áp lực với Bắc Kinh trong các cuộc gặp riêng hoặc điện đàm, cảnh báo rằng Washington sẵn sàng hành động nhắm vào các tổ chức tài chính Trung Quốc hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng (dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự) sang Nga.
“Bất kỳ ngân hàng nào tạo điều kiện cho các giao dịch hàng hóa lưỡng dụng quy mô lớn với Nga đều đứng trước nguy cơ bị Mỹ trừng phạt", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh tại các cuộc gặp với một số quan chức Trung Quốc ở Bắc Kinh đầu tháng này.
Theo các nhà phân tích, việc cấm các ngân hàng giao dịch liên quan tới đồng USD – đồng tiền giao dịch chủ đạo trong thương mại quốc tế – có tác động lớn hơn nhiều so với các biện pháp trừng phạt thông thường nhằm vào các cá nhân, tổ chức. Do đó, đây thường là biện pháp cuối cùng được dùng tới. Biện pháp trừng phạt này thường khiến các nhà băng sụp đổ, ảnh hưởng tới toàn bộ khách hàng và gây rủi ro đối với hệ thống tài chính Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt khó khăn về tăng trưởng tín dụng.
Trên thực tế, các lần đe dọa trừng phạt ngân hàng trước đây của Mỹ chỉ mang lại hiệu quả trong ngắn hạn. Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký một sắc lệnh trao thẩm quyền cho Bộ Tài chính trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc hỗ trợ hoạt động sản xuất quân sự của Nga. Động thái này gây khó khăn cho các giao dịch thương mại giữa Nga và Trung Quốc khi một số ngân hàng lớn của Trung Quốc ngừng tham gia.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Alexandra Prokopenko của tổ chức nghiên cứu Carnegie Russia và cũng là cựu nhân viên tại Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), các ngân hàng lớn này sau đó đã dần được thay thế bởi các ngân hàng khu vực ít tên tuổi hơn tại Trung Quốc, ít thực hiện các giao dịch có liên quan tới USD hơn và cũng ít bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
“Chuỗi thanh toán đang dần được xây dựng lại”, bà Prokopenko cho biết. “Cả phía Nga và Trung Quốc đều đang liên tục thích nghi với các điều kiện mới”.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trao đổi thương mại đối với các mặt hàng lưỡng dụng quan trọng giữa Nga và Trung Quốc tăng mạnh sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 3 năm ngoái.
Cụ thể, CSIS cho biết nhập khẩu hàng lưỡng dụng, gồm linh kiện trực thăng, thiết bị định vị và máy móc dùng để sản xuất linh kiện chính xác cho vũ khí và máy bay, của Nga đã tăng từ chỗ chỉ vài nghìn đơn vị mỗi tháng lên gần 30.000 đơn vị.
“Điều này giúp điện Kremlin đẩy nhanh hoạt động sản xuất vũ khí gồm áo giáp, pháo binh, tên lửa và máy bay không người lái, và phòng vệ hiệu quả trước các cuộc phản công của Ukraine năm 2023”, ông Max Bergmann, thành viên cấp cao tại CSIS, cho biết.