Vào một chiều tháng 12/2022, khi Mặt Trời lặn ở Oslofjord (Na Uy), người qua đường nán lại gần phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia mới trị giá 665 triệu USD, bảo tàng Munch mới trị giá 322 triệu USD, và nhà hát opera trị giá 590 triệu USD, để ngắm nhìn khoảnh khắc ánh sáng lụi tàn.
Những công trình ấy cho thấy sự phồn thịnh của Na Uy sau khi quốc gia này trở thành nhà cung cấp năng lượng hàng đầu châu Âu. Do ảnh hưởng từ xung đột Ukraine, giá năng lượng trên thị trường đã tăng gấp 3, giúp Na Uy thu được khoản lợi nhuận khổng lồ.
Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng cảm nhận được sự giàu có này, và không phải ai cũng hưởng ứng khoản lợi nhuận mà đất nước họ thu về.
Nhiều người Na Uy vẫn đang trải qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Trong khi đó, một số người đặt câu hỏi về tính công bằng, khi quốc gia của họ làm giàu từ sự bất hạnh của người khác, theo Guardian.
“Lời nguyền tài nguyên”
Theo Bộ Tài chính Na Uy, nước này có thể đã kiếm được gần 121 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu xăng dầu vào cuối năm 2022. Trên lý thuyết, điều đó có nghĩa cuộc xung đột ở Ukraine giúp mỗi công dân Na Uy kiếm được ít nhất 21.450 USD.
Đến năm 2023, lợi nhuận ước tính sẽ tăng lên 131 tỷ USD, gấp gần 5 lần so với 2021, theo Reuters.
“Tất nhiên, số tiền này không phải của chúng tôi”, Kalle Moene, giáo sư kinh tế tại Đại học Oslo, cho biết. Ông tin rằng nó thuộc về những người đang trải qua cuộc xung đột.
Vào tháng 6, ông Moene đã kêu gọi ủng hộ khoản lợi nhuận hơn 100 tỷ USD cho quỹ đoàn kết quốc tế mới để giúp các nước đang chịu cảnh khó khăn, xung đột.
“Một hệ thống công bằng sẽ bù đắp cho những người xấu số và đánh thuế những người may mắn. Nếu chúng ta không bắt đầu nói về việc phải làm gì với số tiền này, các quốc gia khác sẽ có ác cảm với chúng ta. Họ sẽ nghĩ chúng ta tham lam”, ông nói.
Tuy nhiên, giới chính trị Na Uy không mấy chú trọng đến đề xuất này. Tháng 10/2022, chính phủ của Thủ tướng Jonas Gahr Støre công bố kế hoạch giảm ngân sách viện trợ, từ 1,15% tổng thu nhập quốc dân (GNI) xuống 0,75% vào năm 2023, theo Devex.
Ông Jan Egeland, Tổng thư ký Hội đồng Người tị nạn Na Uy, cho rằng thông báo này trái với những gì mà đất nước ông vẫn luôn theo đuổi - đó là trở thành ngọn hải đăng của tình đoàn kết quốc tế.
“Chúng ta bắt đầu viện trợ cho Kerala, Ấn Độ, vào những năm 1950, dù bản thân khi đó vẫn đang nhận tiền viện trợ từ quỹ Marshall”, ông Egeland nói. “Đây là trận chiến vì linh hồn quốc gia”.
Sau khi sửa đổi ngân sách, Na Uy vẫn đóng góp với tỷ lệ cao hơn nhiều so với mức trung bình 0,3% của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Khi cuộc tranh luận về tính công bằng của khoản lợi nhuận nói trên tiếp diễn, mô hình thu ngân sách lâu đời của Na Uy cũng bị thách thức.
Từ nửa đầu thế kỷ XX, khi vẫn còn là một trong những quốc gia nghèo của châu Âu, Na Uy phát hiện các mỏ dầu trên vùng Biển Bắc và đối mặt hai lựa chọn: Họ có thể bán đấu giá các mỏ dầu cho công ty tư nhân giống như Đan Mạch, hoặc sử dụng lợi nhuận thu được để cắt giảm thuế tương tự Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, Na Uy đã lựa chọn con đường riêng - sử dụng “chiến lợi phẩm” ở Biển Bắc để tăng phúc lợi quốc gia. Theo đó, lợi nhuận thu được từ công ty khai thác dầu Statoil được quyên góp cho một quỹ quốc gia.
Kết quả là Na Uy trở thành một trong số ít đất nước trên thế giới thoát khỏi cái mà các nhà kinh tế học gọi là “lời nguyền tài nguyên”. Đây là hiện tượng các quốc gia giàu nhiên liệu hóa thạch hoặc khoáng sản có mức tăng trưởng thấp và xã hội kém bình đẳng hơn.
"Không phải người trục lợi"
“Chúng tôi đã sử dụng nguồn tài nguyên tạm thời để tạo ra dòng tiền có thể là vĩnh viễn, nhằm hỗ trợ các thế hệ tương lai của Na Uy”, ông Andreas Bjelland Eriksen, quan chức Bộ Dầu mỏ và Năng lượng Na Uy, cho biết.
Đến nay, quỹ dầu mỏ này vẫn tiếp tục cung cấp cho đất nước sự hỗ trợ vững chắc trong các lĩnh vực giáo dục, sinh sản... Vì vậy, việc điều chỉnh mô hình này có thể gây lo ngại.
Ông Bjelland Eriksen nói: “Tôi không nghĩ việc gọi Na Uy là kẻ trục lợi là đúng đắn. Chúng tôi không phản đối bất kỳ biện pháp nào có thể hạ giá (năng lượng). Nhưng chúng tôi sẽ không thực hiện các biện pháp có thể dẫn đến tình huống thậm chí còn khó khăn hơn”.
Song ngay cả khi "bỏ ngoài tai" cuộc tranh luận về tính công bằng, không phải người dân Na Uy nào cũng đang hưởng lợi từ khoản lợi nhuận này.
Chỉ cách bờ sông Oslo 15 phút đi bộ, một hàng người xếp hàng bên ngoài nhà thờ Grønland để nhận phiếu mua hàng từ ngân hàng thực phẩm Fattighuset.
Astrid Asdakk, 58 tuổi, một trong những tình nguyện viên của tổ chức từ thiện này, cho biết: “Chúng tôi từng tiếp nhận 300 người/ngày. Giờ đây, số người dường như gấp đôi. Hầu hết họ là người tị nạn từ Ukraine. Số còn lại là công dân Na Uy đang vật lộn với giá điện tăng cao”, bà Asdakk nói.
Hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình ở Na Uy đã tăng lên mức kỷ lục trong năm 2022, một phần do lượng mưa thấp bất thường vào đầu mùa hè. Giá xăng ở nước này cũng thuộc hàng cao nhất thế giới.
“Đất nước đang trở nên giàu có, nhưng không có nghĩa người dân cũng vậy”, mục sư Lars Martin Dahl, 50 tuổi, cho biết. “‘Chính phủ kiếm được lợi nhuận, nhưng tôi đang phải vật lộn để thanh toán các hóa đơn của mình’, tôi đã nghe những lời này từ rất nhiều người”.
Trong khi đó, bà Ingrid Fiskaa, thành viên Quốc hội Na Uy, khẳng định quốc gia này cần “chia sẻ ít nhất một phần lợi nhuận”.
“Thật không may, cuộc xung đột lại có lợi cho ngành dầu khí. Người Na Uy không lên tiếng về điều này, nhưng đó cũng là vì họ không thể cảm thấy tội lỗi về khoản lợi nhuận mà họ không được tiếp cận", bà giải thích.
"Nếu mỗi người Na Uy được tặng 21.450 USD tiền mặt, họ chắc chắn sẽ có cảm giác này”, bà nói.