Chính phủ Saudi Arabia đã công bố khoản thặng dư ngân sách 27 tỷ USD hôm 7/12, khi giá dầu cao trong năm nay giúp đẩy mạnh các kế hoạch đầy tham vọng của Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) và thúc đẩy những nền kinh tế trên khắp vịnh Ba Tư.
Giá dầu thô tăng cao giúp nền kinh tế của vương quốc này tăng trưởng với tốc độ nhanh hàng đầu thế giới, khi chính phủ chi nhiều hơn 47 tỷ USD so với kế hoạch, theo Wall Street Journal.
Trong một năm mà tăng trưởng toàn cầu được cho sẽ ở mức 3,2%, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán mức tăng trưởng 7,6% trong năm nay ở Saudi Arabia.
Hưởng lợi từ giá dầu thô tăng cao
GDP của Saudi Arabia dự kiến lần đầu tiên đạt 1.000 tỷ USD, giúp củng cố vị thế của vương quốc này trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo Forbes, Saudi Arabia chuẩn bị gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế có GDP 1.000 tỷ USD trong năm nay, nhờ sự gia tăng doanh thu từ dầu mỏ. Nước này là nền kinh tế lớn thứ 19 trên thế giới vào năm 2021.
Thời kỳ bùng nổ cũng mở rộng sang các nước láng giềng vùng Vịnh của Saudi Arabia. Tại Qatar, giá khí đốt tự nhiên cao trong năm nay đã giúp bù đắp khoản đầu tư trị giá 200 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng ở thủ đô Doha, từ đó giúp giải bóng đá World Cup đang được tổ chức tại đây diễn ra suôn sẻ.
“Chúng tôi có thể là một trong những điểm sáng nhất trên thế giới hiện nay”, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed al-Jadaan phát biểu hôm 7/12.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kết nối và là một phần của thế giới. Nguy cơ suy thoái tiềm tàng đối với nền kinh tế thế giới đang khiến chúng tôi quan ngại”, ông nói thêm.
Saudi Arabia đang trải qua một năm thành công đáng ngạc nhiên ngay cả khi Mỹ, châu Âu và nhiều nền kinh tế khác đang phải đối mặt với lạm phát leo thang và suy thoái.
Trong khi phần lớn thế giới bị ảnh hưởng bởi giá lương thực và năng lượng tăng cao, các đại gia dầu mỏ như Saudi Arabia và những nước láng giềng đang được hưởng lợi từ dòng doanh thu từ dầu mỏ.
Chính phủ Saudi báo cáo khoản doanh thu tăng 28% lên 328 tỷ USD nhờ doanh số bán dầu cao hơn trong năm nay. Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi dự báo giá dầu tiếp tục tăng, hoặc ở trên 80 USD/thùng.
Dầu thô Brent tiêu chuẩn dầu toàn cầu ở mức khoảng 78 USD/thùng hôm 7/12, giảm từ mức gần 130 USD/thùng vào đầu năm nay. Tuy nhiên, con số đó vẫn tăng từ mức trung bình 70,86 USD/thùng vào năm ngoái và 41,96 USD/thùng một năm trước đó.
Điều đó đánh dấu thời kỳ giá dầu cao liên tục đầu tiên đối với Thái tử Mohammed. Ông lên nắm quyền trong thời kỳ giá dầu sụp đổ năm 2015 và chứng kiến giai đoạn áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng đối với người dân Saudi Arabia, ngay cả khi ông thúc đẩy chương trình đầy tham vọng nhằm đa dạng hóa nền kinh tế của đất nước này khỏi dầu mỏ.
Nỗ lực đó, mang tên Tầm nhìn 2030, được bắt đầu vào năm 2016 khi Saudi Arabia vật lộn với giá dầu giảm. Vị thế tài chính mạnh mẽ của quốc gia này ở thời điểm hiện tại đã củng cố tầm ảnh hưởng của Thái tử Mohammed trên toàn cầu.
Điều đó cũng giúp khôi phục vị thế ngoại giao của ông sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại năm 2018, khiến các nhà lãnh đạo phương Tây xa lánh Riyadh.
Liên quan đến vụ việc này, một thẩm phán Mỹ gần đây đã bác bỏ vụ kiện chống lại Thái tử Mohammed bin Salman về vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại, theo AP.
Việc bác bỏ vụ kiện dân sự chống lại Thái tử Mohammed và hai cộng sự thân cận của ông đồng nghĩa với việc vị vua tương lai của Saudi Arabia có thể tự do đi đến Mỹ và các khu vực khác.
Thúc đẩy tham vọng của thái tử MBS
Thái tử Mohammed cho biết khoản thặng dư ngân sách sẽ được sử dụng để tăng dự trữ của chính phủ, hỗ trợ các quỹ quốc gia và củng cố vị thế tài chính của vương quốc. Khả năng đẩy nhanh tiến độ một số dự án ưu tiên cũng đang được xem xét, ông cho biết.
Một số dự án đầy tham vọng mà Thái tử Mohammed đã công bố trong năm nay bao gồm kế hoạch xây dựng tòa nhà chọc trời cao khoảng 512 m ở thành phố Neom hay sân bay quốc tế bận rộn nhất thế giới. Bên cạnh đó, họ lên kế hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng với hy vọng nó sẽ trở thành French Riviera (Côte d’Azur) của vùng Vịnh.
Saudi Arabia cũng đang đổ tiền vào việc tái phát triển các khu vực trung tâm thành phố của những đô thị hàng đầu bao gồm Riyadh và Jeddah, cũng như hàng chục thành phố nhỏ hơn.
Quỹ đầu tư công của đất nước này đã rót tiền vào các công ty mới, bao gồm cả nỗ lực tạo ra thương hiệu xe điện của riêng mình.
“Thách thức của chúng ta ngày nay là làm thế nào để có thể tiếp tục tập trung vào việc thực hiện Tầm nhìn 2030”, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng Saudi, phát biểu tại một hội nghị hồi tháng 10.
Saudi Arabia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, khẳng định họ muốn tránh chu kỳ bùng nổ và suy thoái - đặc trưng cho những thời điểm giá dầu tăng vọt và những đợt sụp đổ đau đớn trước đây.
Khoản thặng dư được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá và công trình công cộng, cũng như tăng lương cho khu vực công của Saudi Arabia.
Kể từ năm 2016, khi giá dầu giảm xuống mức thấp lịch sử, chính phủ Saudi Arabia đã theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng, bao gồm cắt giảm trợ cấp nhiên liệu, điện và nước.
“Giá dầu cao hơn cho phép chính phủ không còn tập trung vào thắt lưng buộc bụng về tài chính. Trọng tâm tập trung rất nhiều vào việc đạt được tiến bộ với chương trình đầu tư, điều cần thiết cho kế hoạch Tầm nhìn 2030”, Monica Malik, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi, nhận định.
Tuy nhiên, thành tích của Saudi Arabia với các dự án phát triển lớn là khác nhau. Khu tài chính Riyadh trị giá 10 tỷ USD và một thành phố biển Đỏ mới được khai trương vào năm 2005 đã thu hút ít cư dân hơn so với kế hoạch.
Một số đề xuất của Thái tử Mohammed cũng sẽ yêu cầu vốn nước ngoài - một nguồn lực khan hiếm ở đất nước này.
Mặc dù doanh thu tăng, Saudi Arabia có kế hoạch tiếp tục khai thác thị trường nợ toàn cầu vào năm tới để trả nợ trái phiếu đáo hạn và tận dụng các điều khoản hấp dẫn, khi nước này thúc đẩy kế hoạch đa dạng và đắt đỏ của Thái tử Mohammed.