Tuy nhiên, con số thống kê của Bộ này cũng cho thấy, từ tháng 9/2022 tới nay, cả nước có hơn 0,6 triệu người lao động bị ảnh hưởng việc làm vì doanh nghiệp thiếu đơn hàng.
Riêng với nhóm người làm công hưởng lương (có hợp đồng lao động), thu nhập bình quân đạt 8,25 triệu đồng/người/tháng, tăng 6% so với năm 2021 (tương đương mức tăng lương tối thiểu vùng áp dụng từ đầu năm 2022).
Cũng trong năm vừa qua, cả nước có 51,6 triệu lao động trong độ tuổi, trong đó có hơn 50,5 triệu người có việc làm, tỷ lệ lao động thất nghiệp bằng 2,3% lực lượng lao động (giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước).
Về tình hình cắt giảm lao động, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,từ tháng 9/2022 trở lại đây, trước biến động trên toàn cầu, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm, nguy cơ lạm pháp dẫn tới nhu cầu tiêu dùng giảm đã ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề sản xuất tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp Việt Nam bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm việc làm, ảnh hưởng tới một bộ phận người lao động, tập trung vào các ngành nghề chính là dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí…
Tại các địa phương, con số thống kê cũng cho thấy, cả nước có hơn 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và dân doanh ở khu vực phía Nam.
Tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm trên 637 nghìn người (tương đương khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp). Trong đó, có hơn 53 nghìn người bị mất việc làm, hơn 359 nghìn người bị cắt giảm giờ làm; hơn 22 nghìn người bị tạm ngưng việc có trả lương, hơn 35 nghìn người phải tạm hoãn hợp đồng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hộidự báo, tới hết quý I/2023, dự kiến những ngành trên sẽ tiếp tục khó khăn, thiếu việc làm, do phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Do đó, bộ này sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường lao động để có thể đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn, mất việc làm.
Về nhu cầu tuyển dụng mới, dự kiến trong 3 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp trên cả nước có nhu cầu tuyển dụng hơn 377 nghìn người.