Trong vòng một năm, toàn thế giới chứng kiến sự thay đổi rất nhanh. Từ trạng thái "tiền rẻ" tràn ngập trong lưu thông, nhiều nền kinh tế lớn đã và đang phải oằn mình thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt để đối phó với nguy cơ tỷ lệ lạm phát tăng nhanh, khiến dòng tiền trở nên đắt đỏ. Nguyên nhân đến từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, thiên tai và sự tiếp diễn của đại dịch Covid-19.
M&A chững lại trong 10 tháng đầu năm 2022
Sau giai đoạn thăng hoa, thị trường M&A trên toàn cầu đang trải qua giai đoạn trầm lắng. Báo cáo mới nhất của công ty phân tích dữ liệu GlobalData, quý 3/2022 là quý có hoạt động M&A toàn cầu kém nhất, với giá trị thương vụ giảm 48% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, thị trường toàn cầu đã ghi nhận 8.258 thương vụ M&A trị giá 544 tỷ USD trong quý 3/2022, so với 9.605 thương vụ trị giá 1.050 tỷ USD được ghi nhận trong quý cùng kỳ năm 2021. Các giao dịch quy mô lớn chậm lại, thị trường M&A trên toàn cầu có thể phải trải qua cuộc suy thoái vào năm tới. Trong bối cảnh chung đó, thị trường M&A ở Việt Nam cũng rơi vào giai đoạn trầm lắng.
Tại diễn đàn M&A Việt Nam 2022 được tổ chức vào chiều 23/11, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia chia sẻ, sau khi đạt đỉnh vào năm 2021, thị trường M&A Việt Nam chững lại trong năm 2022 và có xu hướng thận trọng hơn. Nguyên nhân đến từ những lo ngại về địa chính trị trên toàn cầu cùng nguy cơ về lạm phát cao gây ảnh hưởng đến các giao dịch xuyên biên giới.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia chia sẻ tại Diễn đàn M&A 2022.
Thống kê từ KPMG cho thấy, tổng giá trị giao dịch M&A trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt mức 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số lượng giao dịch giảm xuống mức dưới 350 giao dịch, tương đương mức giảm 50% so với mốc gần 700 giao dịch của năm 2021. Singapore là nước dẫn đầu các giao dịch xuyên quốc gia với khoảng 1,2 tỷ USD, tiếp đến là Mỹ (570 triệu USD) và Hàn Quốc (370 triệu USD).
Quy mô giao dịch bình quân đối với một giao dịch có giá trị được công bố đã giảm từ mốc 31,1 triệu USD vào năm 2021 xuống còn 16,5 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2022. Tổng lượng siêu giao dịch (giao dịch có giá trị trên 100 triệu USD) được ký kết trong 10 tháng đầu năm 2022 chỉ còn 13 thương vụ so với 22 thương vụ của cùng kỳ năm trước.
Tương tự năm 2021, các giao dịch M&A trong năm 2022 tiếp tục được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hơn 1,3 tỷ USD. Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm: Tiêu dùng (1,2 tỷ USD), Bất động sản (gần 1 tỷ USD), Công nghiệp (800 triệu USD). Đặc biệt, ngành năng lượng đang trở nên “hot” nhất năm 2022 nếu xét về tăng trưởng giá trị, đạt gần 600 triệu USD, tăng khoảng 6 lần so với cả năm 2021.
Các thương vụ siêu M&A (có giá trị giao dịch trên 100 triệu USD) trong năm 2022 thuộc về 3 lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo và hàng tiêu dùng. Cụ thể, giao dịch lớn nhất trong năm là Capital Place, tòa nhà văn phòng hạng A nằm ở trung tâm Hà Nội (thuộc CapitalLand Invesment), được mua bởi một trong những công ty hàng đầu trong ngành với giá trị lên đến 523,4 triệu USD.
Cũng trong lĩnh vực bất động sản, Novaland đã nhận được một khoản đầu tư 250 triệu USD từ Warburg Pincus - tập đoàn quốc tế hàng đầu chuyên tìm kiếm cơ hội đầu tư tăng trưởng nhằm mở rộng quỹ đất và thúc đẩy các dự án trọng điểm.
Trong lĩnh vực năng lượng - tiện ích, EDP Renovaveis, S.A. (EDPR) - nhà cung cấp năng lượng tái tạo nổi tiếng có trụ sở chính tại Madrid (Tây Ban Nha) đã ký kết với Tập đoàn Xuân Thiện để mua hai dự án điện mặt trời với tổng công suất 200MW tại tỉnh Ninh Thuận. Giá trị giao dịch đạt 284 triệu USD.
Ngành hàng tiêu dùng, Công ty TNHH Sherpa (thuộc Tập đoàn Masan) đã mua lại 65% vốn của Phúc Long Heritage với giá 260,6 triệu USD. Seletar Investments, Seatown Private Capital Master Fund và Periwinkle (Singapore) đã mua lại 36% cổ phần của Golden Gate với trị giá khoảng 234 triệu USD. Trong đó, Seatown là quỹ đầu tư của Seatown Holdings tại Singapore, cũng là thành viên của Temasek.
Kích hoạt nhiều cơ hội trong năm 2023
Với sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ bước vào thời kỳ tăng trưởng chậm hơn sau khi phục hồi nhanh chóng từ sau đại dịch COVID, trong đó mức tăng trưởng GDP năm 2022 dự kiến là khoảng 8%.
Nhiều cơ hội cho M&A trong năm 2023 bất chấp những khó khăn kéo dài của nền kinh tế toàn cầu.
Ngay cả khi tốc độ tăng trưởng chậm lại khoảng 6 - 6,5 % vào năm 2023 và những năm sau đó, Việt Nam vẫn là ngôi sao đang lên trên bình diện thị trường toàn cầu, do hầu hết các nền kinh tế khác đều được dự đoán mức tăng trưởng thấp hơn nhiều, thậm chí là tăng trưởng âm. Trong bối cảnh đó, có thể kỳ vọng những cơ hội M&A tại Việt Nam vẫn sẽ rất phong phú trong năm 2023, bất chấp những lo ngại từ những khó khăn kéo dài của nền kinh tế toàn cầu.
M&A trong những lĩnh vực như công nghệ với làn sóng chuyển đổi số, bán lẻ, hàng tiêu dùng được dự báo vẫn sôi động. Đặc biệt, sẽ có những cơ hội M&A trong lĩnh vực dịch vụ tài chính - ngân hàng, dù có chững lại trong 10 tháng đầu năm 2022, nhưng có nhiều thương vụ đang trong giai đoạn chuẩn bị trong nhiều năm qua, sắp đi đến giai đoạn chốt trong năm 2023.
Đáng chú ý, dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity, PE Fund) trên toàn cầu đang trở thành động lực chính thúc đẩy cho thị trường M&A tăng tốc. Theo một báo cáo năm 2022 của Bain & Company, các quỹ đầu tư tư nhân vào châu Á đang ở mức cao kỷ lục là 650 tỷ USD. Tại Việt Nam, PE Fund và Venture Capital vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2022, bất chấp những bất ổn trên thị trường vốn và nợ xấu. Đặc biệt, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ chứng kiến mức đầu tư trị giá khoảng 2 tỷ USD, giữ vững phong độ của một “ngôi sao đang lên” về khởi nghiệp trong các nước Đông Nam Á.
Thị trường IPO ở khu vực Đông Nam Á cũng đang được kỳ vọng với tương lai sáng sủa hơn vào năm 2023. Mặc dù định giá hiện tại có thể thấp hơn đối với các công ty công nghệ, nhưng những công ty có nền tảng kinh doanh vững chắc và khả năng chứng minh lợi nhuận sẽ vẫn có thể đạt được định giá thị trường tốt nhất và hưởng lợi từ thị trường vốn toàn cầu.
Những dấu hiệu trên cho thấy thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn sôi động, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính.
Cùng với nỗ lực của Chính phủ trong việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, có thể có một số thương vụ thoái vốn nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp lớn, từ đó mang lại luồng sinh khí mới cho thị trường M&A.
“Một khi kinh tế phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, cộng hưởng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước, thì các hoạt động M&A cũng sẽ được kích hoạt mạnh mẽ”, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.