Trong thời gian qua, sức ép thanh lọc thị trường khiến những sản phẩm đầu cơ, đặc biệt là sản phẩm đất nền bị ảnh hưởng mạnh nhất, bởi hoạt động đầu cơ giai đoạn này gần như bị triệt tiêu.
Bên cạnh đó, phân khúc bất động sản liền thổ, căn hộ cao cấp, hạng sang tiếp tục là những loại hình bị ảnh hưởng rõ nét. Bởi đây là các phân khúc có giá trị cao, kén sức mua lúc thị trường khó khăn.
Mặc dù, thị trường bất động sản vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn, từ lãi suất ngân hàng tăng mạnh đến rào cản pháp lý, tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư. Nhưng, thị trường vẫn có những phân khúc tiềm năng mang đến lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, một số phân khúc còn nhiều tiềm năng là nghỉ dưỡng, công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Cũng đưa ra nhận định về những phân khúc tiềm năng cho năm 2023, ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản BHS cho hay: “Tôi nhận thấy có hai loại hình. Một là, sản phẩm kết hợp giữa Second-home và nghỉ dưỡng - dòng sản phẩm sau khi Covid-19 diễn ra và kể cả sau thời điểm du lịch quay trở lại. Đây là một trong những sản phẩm mới, mặc dù cũng đã xuất hiện được khoảng một năm hoặc hơn một năm nhưng tuổi đời như vậy còn rất trẻ. Tôi đánh giá, trong tương lai, đây sẽ là một trong những sản phẩm tốt.
Sản phẩm thứ hai không phải mới nhưng rõ ràng trong thời gian vừa qua mọi người quên đi hoặc là không muốn làm - đấy chính là nhà ở xã hội. Đây cũng là một loại hình sản phẩm rất cần thiết đối với người dân Việt Nam. Khi giá cả bất động sản thương mại đã lên rất cao thì nhà ở xã hội sẽ được các chủ đầu tư lớn cũng như Chính phủ quan tâm hơn. Trong tương lai, đây cũng sẽ là một điểm sáng của thị trường bất động sản”.
Bên cạnh đó, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc dự đoán, trong năm 2023, những loại hình đánh vào nhu cầu ở thực như chung cư vẫn sẽ ghi nhận thanh khoản trong thời gian tới. Đặc biệt với tín hiệu nới room tín dụng từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng thêm khoảng 1,5 - 2% mới đây cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, người mua nhà sẽ có cơ hội tiếp cận với vốn vay, sẽ làm gia tăng thanh khoản dự án.
Ông Quyết nói thêm, sang năm 2023, việc giải ngân cho vay mua nhà từ phía ngân hàng sẽ “dễ thở” hơn bởi room tín dụng mới “rộng”. Như thời điểm đầu năm 2022, người mua nhà vay dễ dàng tiếp cận vốn vay. Phải đến giữa năm 2022, room tín dụng cạn, người mua nhà mới khó vay.
Ngoài loại hình nhà chung cư, ông Quyết dự đoán, phân khúc nhà ở trong ngõ Hà Nội, hoặc nhà phố đáp ứng nhu cầu kinh doanh, tạo ra dòng tiền sẽ vẫn ghi nhận giao dịch mua – bán.
Còn theo nhận định của ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6, điểm sáng trên thị trường với lượng giao dịch tạm ổn thời gian qua là bất động sản dòng tiền, nhất là từ tháng 7/2022 đến nay và bất động sản dòng tiền vẫn là “trend” của năm 2023.
Theo ông Quê các loại hình bất động sản dòng tiền phổ biến như nhà mặt tiền ở các thị trấn, thành phố lớn có tiềm năng cho thuê, kinh doanh tốt; căn hộ chung cư, sàn thương mại cho thuê; thổ cư có tiềm năng cho thuê; nhà xưởng cho thuê ven đô thị hoặc khu công nghiệp; bất động sản có tiềm năng khai thác du lịch; chợ hoặc trung tâm thương mại.
“Vừa qua Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5-2% và định hướng bất động sản vẫn được tiếp cận nguồn vốn có chọn lọc, việc này tạo tâm lý tốt trong xã hội, hồ hởi đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, trong đó có bất động sản”, ông Quê cho hay.