Theo ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, năm 2022 hiệu quả sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa của tập đoàn tăng 40% so với năm ngoái. Kết quả này phản ánh nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp thành viên.
Bởi lẽ 6 tháng đầu năm, thị trường nội địa tương đối thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng luôn ở mức cao, tuy nhiên từ tháng 9/2022 thị trường có dấu hiệu khó khăn, lượng hàng hoá bán ra bắt đầu giảm và giảm mạnh về cuối n ăm. Điều này trái ngược với mọi năm, quý IV thường đạt doanh số rất cao.
Ông Lê Tiến Trường cũng cho hay, thị trường nội địa có 2 mảng kinh doanh chính là vải và quần áo. Trong đó, vải có mức tăng trưởng tốt hơn do doanh nghiệp trong nước tận dụng được thời điểm nguồn vải nhập khẩu từ Trung Quốc về khó khăn do tác động từ chính sách zero covid. “Theo đó, những nhà sản xuất vải trong nước như Đông Xuân, Nam Định đạt hiệu quả kinh doanh rất tốt”, ông Lê Tiến Trường nói. Và cho biết thêm, ngành sản xuất quần áo đạt tăng trưởng khoảng 20%.
Chia sẻ về vấn đề này trước đó, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho hay, năm 2021 Công ty May Việt Tiến đạt doanh thu nội địa 850 tỷ đồng. 10 tháng năm 2022 đã đạt 950 tỷđồng, tháng 11, 12 có thể đạt 100 tỷ đồng. Như vậy, năm 2022 tăng trưởng thị trường nội địa của May Việt Tiến cao hơn hẳn so với năm trước.
Với Tổng Công ty May 10, chỉ trong 2 tháng 10 và 11/2022, doanh nghiệp đã ra mắt 2 dòng thương hiệu mới là DeTheia – dòng sản phẩm cao cấp dành cho nữ giới và Generos – thời trang nam dành cho giới trẻ, phân khúc khách hàng hiện đại. Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, theo đuổi và hiện thực hóa mục tiêu chinh phục thị trường nội địa, May 10 liên tục cho ra đời nhiều nhãn hiệu thời trang công sở như: May10 Expert, May10 Classic, Eternity GrusZ, Cleopatra với 100% sản phẩm tự thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. May 10 hiện có trên 20 nhãn hiệu các loại, với 60 cửa hàng, trung tâm thời trang và hơn 200 đại lý toàn quốc.
“Thị trường nội địa với quy mô 5 tỷ USD đang được doanh nghiệp thay đổi và ứng dụng nhiều phương thức để thiết kế mẫu mã sản phẩm, quảng bá xây dựng nhãn hiệu nhằm chinh phục thị trường”, ông Vũ Đức Giang thông tin.
Dù thị trường nội địa năm 2022 đã mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp dệt may, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn nhận định sang năm 2023 khó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng đã đạt được.
Nguyên do, nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm mạnh trong quý IV/2022 và có xu hướng tiếp tục giảm ít nhất đến hết quý I/2023. Trong khi đó, việc mở rộng mạng lưới phân phối rất tốn chi phí, xu hướng cắt giảm số lượng cửa hàng để đưa ra giá tốt nhất cho người tiêu dùng trong năm 2022 sẽ tiếp tiếp tục là giải pháp cho năm 2023 của một số doanh nghiệp.
Sự co cụm của doanh nghiệp trong nước tại thị trường nội địa lại ngược chiều với tốc độ mở rộng mạng lưới kinh doanh của một số thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam như Uniqlo của Nhật Bản. Lý giải điều này, ông Lê Tiến Trường cho rằng, những thương hiệu này mở rộng mạng lưới kinh doanh tại Việt Nam không có nghĩa là họ đang có lãi tại thị trường Việt Nam. Nhưng do có quy mô toàn cầu những nhãn hàng này có thể bù đắp lợi nhuận từ thị trường khác nên về tổng thể có thể không bị thua lỗ và vẫn có thể phát triển theo kế hoạch.
Với một số doanh nghiệp trong nước đang thực hiện chiến lược phát triển thị trường nội địa, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, không đặt nặng vấn đề lợi nhuận để định vị chỗ đứng trên thị trường.
Có thể thấy, năm 2023 bối cảnh thị trường nội địa của ngành dệt may Việt Nam không có nhiều dấu hiệu sáng và còn nhiều thách thức đang chờ đợi doanh nghiệp. Tuy nhiên về dài hạn việc chiếm lĩnh thị trường nội địa vẫn đang được doanh nghiệp trong ngành bền bỉ thực hiện.
Trong Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 mới được Chính phủ phê duyệt cũng đặt ra định hướng phát triển thời trang dệt may, thúc đẩy và tạo gắn kết, phối hợp giữa các nhà sản xuất, thiết kế phát triển sản phẩm và kinh doanh để định hướng và tạo ra các xu hướng thời trang cho thị trường trong nước; phát triển xây dựng thương hiệu sản phẩm và thương hiệu quốc gia.
Đồng thời, phát triển trung tâm thời trang tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội; đẩy mạnh phát triển thời trang dệt may kết hợp chặt chẽ với chiến lược tiếp thị và chiến lược truyền thông; hướng sản phẩm thời trang dệt may phục vụ nhu cầu trong nước, ngoài nước và khách du lịch, gắn với xu thế thế giới về các sản phẩm xanh, sản phẩm tiện lợi.
Hy vọng từ định hướng này sẽ có chính sách phát triển đủ mạnh cho doanh nghiệp dệt may trong nước đầu tư xây dựng, chiếm lĩnh thị trường nội địa.