Số liệu của Bộ Công Thương mới đây cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2022 đạt 731,8 tỷ USD. Trong đó: xuất khẩu đạt 371,4 tỷ USD, tăng 10,5% và nhập khẩu đạt 360,4 tỷ USD, tăng 8,3%. Cán cân thương mại đạt xuất siêu 11 tỷ USD, đóng góp vào trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên qua số liệu của quý IV, cho thấy có một số dấu hiệu suy giảm.
Theo đó, về xuất khẩu, có sự sụt giảm theo quý: quý I: 13,4%; quý II: 21,1%; quý III: 17%; và quý IV: -6,5%. Trong quý IV: Khu vực kinh tế trong nước giảm tới 15,4%; Khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài giảm 3,2%.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm giá trị lớn của Việt Nam của quý IV cũng giảm mạnh so với cùng kỳ. Đơn cử như điện thoại các loại và linh kiện (đạt 14,1 tỷ USD): -14,6%. Điện tử, máy tính và linh kiện (đạt 13,4 tỷ USD): -5,3%. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (đạt 11,4 tỷ USD): -5,5%. Hàng dệt may (đạt 8,45 tỷ USD): -9,2%
Những nhóm hàng này đạt giá trị 47,3 tỷ USD và giảm mạnh, chiếm tới 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Khu vực kinh tế trong nước có sự sụt giảm xuất khẩu cả 3 tháng liên tiếp: tháng 10: -7,8%; tháng 11: -14,1%; tháng 12: -24%. Khu vực vốn đầu tư nước ngoài: tháng 10: +9,7%; tháng 11: -7,0%; tháng 12: -11,8%
Một số sản phẩm xuất khẩu như nông sản, thủy sản, thức ăn gia súc và nguyên liệu được đánh giá là điểm sáng trong 9 tháng đầu năm, tuy nhiên trong quý IV đã có sự sụt giảm mạnh. Đơn cử như Thuỷ sản tháng 11 giảm -13.3%, tháng 12 giảm -16.5%. Một số mặt hàng khác như Cà phê, hạt điều, hạt tiêu giảm từ 6% đến 16.8. Ngoài ra, nhiều sản phẩm xuất khẩu có sự sụt giảm tốc độ rất mạnh trong 3 tháng liên tiếp của quý IV như sắt thép giảm từ 52.9%-65.7%; Xơ, sợi dệt các loại giảm hơn 40%; Điện thoại và các linh kiện giảm từ 5.4% - 23.3%.
Về Nhập khẩu, cũng có xu hướng sụt giảm theo quý: Quý I tăng 15,2%; quý II tăng 15,8%; quý III tăng 7,6%; quý IV giảm 4,2%.
Một số mặt hàng nhập khẩu chiếm giá trị lớn của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ như Điện tử, máy tính và linh kiện (đạt 18 tỷ USD): giảm 16,7%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (đạt 10,9 tỷ USD): giảm 4,8%; Điện thoại các loại và linh kiện (đạt 5,3 tỷ USD): giảm 19,6%... 3 nhóm hàng này đạt 34,2 tỷ USD và đều giảm mạnh, chiếm tới 40,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cũng có xu hướng sụt giảm theo khu vực kinh tế. Đơn cử như Khu vực đầu tư nước ngoài: tháng 10: +6,7%; tháng 11: -11,1%; tháng 12: -12%. Khu vực kinh tế trong nước: tháng 10: +6,8%; tháng 11: -0,9%; tháng 12: -2,8%
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế có thể phải đối mặt với lạm phát và thực trạng suy thoái kinh tế ở hầu hết các quốc gia,nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm, có thể tác động bất lợi đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Đồng thời, với thực trạng xu hướng xuất khẩu và nhập khẩu của quý IV/2022 đã có dấu hiệu suy giảm, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu (cả DNTN và FDI) bị sụt giảm đơn hàng, dẫn tới cả nhập khẩu và xuất khẩu đều sụt giảm.
“Dự báo 2023, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn”, Tổng cục Thống kê nhận định.