Nói về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Thành, Chánh tòa Kinh tế, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, thừa nhận có nhiều vướng mắc khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng.
Theo quy định, khi ký hợp đồng tín dụng, ngân hàng ký các hợp đồng bảo đảm cho khoản vay. Trên thực tế, tuy chỉ là hợp đồng phụ, là một biện pháp để bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng, nhưng quá trình giải quyết các tranh chấp, do các văn bản pháp luật liên quan điều chỉnh vấn đề này thường xuyên thay đổi, thiếu thống nhất, nên việc xem xét mất rất nhiều thời gian. Nhiều trường hợp đương sự chống đối quyết liệt và không đồng ý cho ngân hàng xử lý tài sản thế chấp, dẫn đến việc xét xử và thi hành án kéo dài.
Chủ doanh nghiệp trốn tránh
Thực tế tố tụng thời gian qua cũng ghi nhận nhiều vụ việc phải trải qua nhiều năm xét xử ở các cấp do tài sản đảm bảo thuộc bên thứ ba, chủ doanh nghiệp trốn tránh, không xác định phạm vi bảo đảm…
Mới đây nhất, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), ủy quyền cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tham gia tố tụng và bị đơn là Công ty cổ phần ECG Việt Nam.
Theo hồ sơ, năm 2013, Công ty cổ phần ECG Việt Nam vay vốn ngân hàng 5 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động kinh doanh vật liệu xây dựng. Đảm bảo cho khoản vay trên là 2 bất động sản của bên thứ ba. Quá thời hạn cam kết công ty không thanh toán hết nợ. Khoản vay trở thành nợ xấu. Sau đó ngân hàng bán nợ cho VAMC. Năm 2017, vụ việc được giải quyết tại tòa án. Trong suốt quá trình tố tụng, doanh nghiệp vắng mặt, không xuất trình chứng cứ, không tham gia phiên tòa. Năm 2021, Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tuyên buộc công ty phải thanh toán nợ gốc và lãi là hơn 7,3 tỷ đồng. Trường hợp công ty không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại tài sản của bên thứ ba.
Chủ tài sản không đồng ý với bản án sơ thẩm trên vì cho rằng, người ký hợp đồng tín dụng và các khế ước nhận nợ là bà Lê Thị Minh Phương, Phó giám đốc tài chính Công ty cổ phần ECG Việt Nam. Bà Phương không có tư cách đại diện công ty ký kết hợp đồng. Hợp đồng tín dụng vô hiệu do chưa có chấp thuận của ĐHĐCĐ công ty.
Khi xem xét, tòa phúc thẩm nhận định, bà Phương đại diện công ty ký hợp đồng căn cứ vào giấy ủy quyền của bà Nguyễn Thị Thu Hiền, đại diện pháp luật công ty. Như vậy, bà Phương ký hợp đồng tín dụng là không trái quy định nên quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Để giải quyết vụ án này, tòa án phải tiến hành các thủ tục như xác minh tình trạng hoạt động doanh nghiệp, địa chỉ chủ doanh nghiệp… Quá trình xác minh cho thấy, Công ty cổ phần ECG Việt Nam đăng ký nhờ địa chỉ, thực chất không hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ năm 2017.
Xác định phạm vi đảm bảo
Do có đơn kháng cáo của doanh nghiệp nên tháng 5/2022, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xem xét phúc thẩm vụ kiện giữa một ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty cổ phần Tập đoàn Tây Thiên Minh.
Khoản vay giữa hai bên được ký kết vào năm 2018. Công ty Tây Thiên Minh đã thế chấp tài sản khu du lịch sinh thái diện tích 28.381,1m2 tại huyện Phổ Yên, gồm nhà thương mại, nhà bảo tàng, nhà nổi và 2 thửa đất ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Do vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên công ty phải buộc thanh toán số tiền hơn 23,7 tỷ đồng cho ngân hàng.
Về việc phát mại tài sản đảm bảo, tòa phúc thẩm cho rằng, hợp đồng thế chấp được đăng ký giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm chưa xác định phạm vi bảo đảm của từng tài sản.
Theo hợp đồng thế chấp ngày 22/3/2017 và văn bản sửa đổi bổ sung hợp đồng thế chấp ngày 19/9/2018 thì công ty thế chấp khu du lịch sinh thái với số tiền gốc là 12,9 tỷ đồng. Còn hợp đồng thế chấp ngày 17/8/2017 giữa ngân hàng và chủ tài sản về 2 thửa đất ở huyện Phổ Yên nợ gốc là 4,8 tỷ đồng.
Tòa án xác định các hợp đồng thế chấp đã thể hiện rõ phạm vi bảo đảm đối với nghĩa vụ trả nợ nên cần căn cứ vào thỏa thuận của các bên về nghĩa vụ bảo đảm nợ gốc để phân chia nghĩa vụ cho phù hợp và đúng quy định.
Sau khi xem xét, tòa phúc thẩm quyết định tài sản là khu du lịch sinh thái có phạm vi bảo đảm nợ gốc và lãi là 17,2 tỷ đồng còn tài sản thứ hai bảo đảm nghĩa vụ là 6,4 tỷ đồng.
Rắc rối chuyển nhượng tài sản
Còn trong vụ việc tranh chấp giữa Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương và Công ty TNHH Pegasus Thăng Long cũng bị kéo dài thời gian do phải xác minh chuyển nhượng tài sản.
Ngân hàng Đại Dương và Công ty Pegasus Thăng Long ký 2 hợp đồng tín dụng vào năm 2014. Hợp đồng thứ nhất với số tiền vay là 175 tỷ đồng, mục đích bổ sung vốn nhận chuyển nhượng phần góp vốn của bà Hứa Thị Bích Hạnh – dự án khách sạn khu phức hợp Saigon Airport Plaza. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất và tài sản hình thành trong tương lai, địa chỉ quận Tân Bình, TP.HCM.
Hợp đồng thứ hai, khoản vay là 452,3 tỷ đồng. Mục đích để thanh toán tiền theo hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ góp vốn tại dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng và quản lý sau đầu tư cụm công nghiệp Bình Phú, sau chuyển đổi thành dự án Khu đô thị Văn Minh. Tài sản đảm bảo là tất cả quyền hiện tại, quyền tài sản hình thành trong tương lai, các lợi ích phát sinh từ và/hoặc liên quan đến hợp đồng chuyển giao và nghĩa vụ góp vốn tại Khu đô thị Văn Minh.
Quá trình thực hiện, do khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên ngân hàng buộc phải “đáo tụng đình” với số tiền nợ lên đến 1.375 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2021, ngân hàng đã bán khoản nợ của hợp đồng tín dụng 175 tỷ đồng cho ông Bùi Phương Đ. Ngân hàng thay đổi yêu cầu khởi kiện số tiền 1.150 tỷ đồng. Được biết, ông Bùi Phương Đ. dùng khoản nợ này để góp vốn vào Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển dự án An Phát. Như vậy, Công ty An Phát là chủ sở hữu mới và tham gia tố tụng với vai trò nguyên đơn.
Vào tháng 5/2022, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm, tuyên buộc Công ty Pegasus Thăng Long phải trả cho ngân hàng số tiền 998,1 tỷ đồng và trả cho Công ty An Phát 323 tỷ đồng. Trường hợp công ty không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ không đầy đủ thì ngân hàng và Công ty An Phát có quyền đề nghị cơ quan thi hành án phát mại tài sản đảm bảo.
Lưu ý thẩm định tài sản
Trên thực tế, cơ quan tố tụng còn ghi nhận tài sản thế chấp, bảo lãnh là nhà đất của hộ gia đình, hoặc tài sản chung của vợ chồng/tài sản thừa kế chưa chia; tài sản thế chấp không đúng với hiện trạng ghi trong hợp đồng thế chấp; trường hợp cho mượn, cho thuê giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/quyền sở hữu nhà nhưng lại sang tên cho người khác để mang đi thế chấp.
Đặc biệt, Chánh tòa Kinh tế, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội còn dẫn chứng Công văn số 02 ngày 2/8/2021, Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn về việc khi ký kết hợp đồng thế chấp mà ngân hàng không xem xét thẩm định kỹ tài sản thế chấp, chỉ xem xét trên giấy tờ và không xác định được rõ ràng người đứng tên tài sản nhà đất thế chấp không phải là chủ sở hữu thực sự đang quản lý, sử dụng tài sản trên và không có tài liệu, chứng cứ chứng minh chủ sở hữu thực sự biết và nhất trí cho việc thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay của ngân hàng, thì trong trường hợp này, ngân hàng không phải là bên thứ ba ngay tình theo quy định tại khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 và hướng dẫn tại mục 1 Phần II Công văn số 64/TATC. Do đó hợp đồng thế chấp trên là vô hiệu.
Còn nhiều trường hợp khác, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ghi một đằng, ngân hàng không xem xét kỹ khi nhận thế chấp, đến khi giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc thi hành án thì mới phát hiện ra mảnh đất to hoặc nhỏ hơn so với giấy chứng nhận, nhiều trường hợp nhà đất xây lấn sang cả nhà hàng xóm hoặc đất công,… như vậy sẽ rất khó khăn cho việc thi hành án. Đối với trường hợp này, để chặt chẽ, các ngân hàng khi nhận tài sản thế chấp phải xem xét thẩm định thật kỹ, thậm chí phải thuê công ty đo đạc vẽ và đo đạc lại đầy đủ nhà đất hiện trạng khi nhận tài sản thế chấp.