Trong báo cáo công tác 3 năm triển khai đề án thực hiện chuyển đổi một số huyện ngoại thành của TP.HCM lên quận hoặc thành phố trực thuộc thành phố giai đoạn 2021 – 2030 mới đây, Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết việc chuyển đổi đơn vị hành chánh quận đối với 5 huyện (gồm Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi và Hóc Môn) là khó đạt được từ nay đến năm 2030, do vướng nhiều tiêu chí chuyển đổi lên quận.
Cụ thể, để lên quận, quy định bắt buộc các huyện phải đạt theo tiêu chí của đô thị loại đặc biệt và phải có 100% các xã đủ tiêu chí để chuyển đổi sang phường. Trong khi đó, hầu hết các huyện như: Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh đang còn diện tích đất nông nghiệp khá nhiều.
Mô hình thành phố thuộc TP.HCM, như trường hợp thành phố Thủ Đức, là phương án được cả 5 huyện lựa chọn. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố, điều này sẽ đáp ứng mục tiêu chuyển các đơn vị hành chính huyện thành đơn vị hành chính cấp đô thị, nhưng vẫn giữ lại một số khu vực nông nghiệp ngoại thành của đơn vị hành chính mới trực thuộc.
Nói cách khác, mô hình thành phố trực thuộc TP.HCM cho phép tồn tại đồng thời đơn vị hành chính phường và xã, trong khi để lên quận thì phải có 100% đơn vị là phường, mà phường thì là nội thị, không còn tồn tại đất nông nghiệp. Đây là lý do chính khiến 5 huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ đều chọn mô hình thành phố trực thuộc TP.HCM, chứ không chọn mô hình quận.
Bình Chánh đang phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại III và làm thủ tục đề nghị công nhận thành phố thuộc TP.HCM vào năm 2025. Đây là huyện có diện tích lớn thứ 3 của TP.HCM (253 km2), nhưng tốc độ đô thị hóa không đồng đều, có nhiều xã phát triển nhà cửa rất nhanh trong khi một số xã vẫn thuần nông. Huyện Bình Chánh được định hướng trở thành trung tâm đô thị công nghiệp của phía tây TP.HCM với đầy đủ đặc tính của một đô thị công nghiệp hiện đại.
Trong khi đó, huyện Cần Giờ với diện tích 705 km2 lớn nhất TP.HCM được định hướng trở thành thành phố xanh, du lịch sinh thái thân thiện môi trường, trở thành khu đô thị biển, du lịch sinh thái nghỉ ngơi và giải trí. Do vậy, huyện cũng không bảo đảm tiêu chí lên quận (100% đều là phường).
Tương tự, các huyện Hóc Môn, Nhà Bè và Củ Chi cũng cho biết sẽ không bảo đảm các tiêu chí lên quận mà muốn lên thành phố trực thuộc TP.HCM để vừa có nội thị (phường), vừa có ngoại thị (xã), vừa phát triển đô thị hóa như các quận nội thành nhưng đồng thời vẫn duy trì một số xã thuần nông hay có nhiều diện tích đất nông nghiệp để phát triển nông nghiệp, xây dựng các điểm du lịch sinh thái, đô thị xanh,…
TP.HCM đã tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng các huyện theo tiêu chí của quận (hoặc thành phố) theo các thông số, gồm dân số, diện tích, số đơn vị hành chính, cơ cấu và phát triển kinh tế xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị và đã đưa ra đánh giá sơ bộ.
Theo đó, tất cả các huyện ngoại thành đều chưa đạt đủ các tiêu chí lên quận hay thành phố trực thuộc thành phố (theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH2013 về phân loại đô thị, và Nghị quyết 1211/2016UBTVQH13 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính).
Trong tờ trình trước đó vào ngày 15/5/2023 của Ủy ban nhân dân TP.HCM đến Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân TP.HCM về dự thảo đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 – 2023, sau đó Ban cán sự đảng đã có tờ trình gửi Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về dự thảo đề án này, Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết giai đoạn 2021 – 2025 sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành, 5 huyện có liên quan đẩy nhanh hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM của ủy ban nhân dân 5 huyện.
Trước mắt, Ủy ban nhân dân TP.HCM yêu cầu lãnh đạo các huyện tập trung xây dựng các huyện thành đô thị theo các tiêu chí đô thị loại I, loại II, loại III, lên quận, lên thành phố. Sau đó, thành phố tổ chức triển khai thực hiện đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030. Khi đã đạt các tiêu chí theo quy định, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ báo cáo Quốc hội quyết định.
Theo ước tính của Ủy ban nhân dân TP.HCM, nhu cầu tổng nguồn vốn đầu tư cho 5 huyện ngoại thành giai đoạn 2021 - 2030 rất lớn, vào khoảng 242.000 tỷ đồng. Trong khi đó, cơ hội thu lại trên địa bàn 5 huyện, theo tính toán sơ bộ của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố trong 10 năm tới có thể đạt khoảng 528.000 tỷ đồng.