Nhằm cụ thể hóa các chủ trương trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 nói trên, ngày 7/6/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Trên thực tế, ở Việt Nam cũng đã có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh tuần hoàn theo hướng tuần hoàn trên cơ sở các quy định và chính sách về phát triển bền vững như Vinamilk, Nestle, CocaCola, Lagom Việt Nam, Hóa chất Đức Giang… Tuy vậy, phần lớn các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn chưa có hệ thống.
Những khó khăn lớn đối với phát triển các mô hình kinh doanh tuần hoàn xuất hiện ở hầu hết các khía cạnh của hoạt động kinh doanh như nguồn lực, công nghệ, thị trường… Nguyên nhân chính là do nhận thức về mô hình này còn chưa thống nhất; khung pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng và đồng bộ; năng lực và nguồn lực của doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu.
Với bối cảnh quốc tế và trong nước đưa đến những cơ hội và thách thức mới đối với phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam phải có những giải pháp cho những khó khăn nêu trên.
Thưa ông, Đan Mạch và nhiều quốc gia khác cho thấy kinh doanh theo hướng tuần hoàn đang trở thành một xu hướng trên phạm vi toàn cầu và được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển mô hình kinh doanh tuần hoàn ở Đan Mạch?
Đan Mạch là quốc gia điển hình về chuyển đổi xanh gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn. Với việc đặt ra các chiến lược và sáng kiến về kinh tế tuần hoàn từ nhiều năm nay, Đan Mạch hướng tới xã hội phát triển bền vững; sản phẩm và nguyên vật liệu được tái quay vòng, tuần hoàn trong nền kinh tế nhằm sử dụng tối đa và giảm thiểu phế thải.
Việc tái chế các lon thiếc đựng thực phẩm, tái sử dụng nguồn nước thải đã đem đến những cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Đan Mạch.
Tuy vậy, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện và tổng thể, từ cấp trung ương tới địa phương. Đây không phải là công việc của riêng cơ quan quản lý mà còn liên quan mật thiết tới các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự và các cơ quan nghiên cứu. Tất cả không chỉ cùng nỗ lực mà còn cam kết tham gia để mô hình kinh tế tuần hoàn thực sự được triển khai và triển khai một cách có hiệu quả.
Để làm được điều này, Chính phủ Đan Mạch đã làm việc chặt chẽ với khu vực kinh tế tư nhân để đảm bảo rằng mô hình kinh tế này được vận hành mượt mà. Cụ thể, vào năm 2016, Chính phủ Đan Mạch đã thành lập một Ban cố vấn quốc gia về kinh tế tuần hoàn, bao gồm đại diện lãnh đạo doanh nghiệp và các bộ trưởng liên quan. Ban cố vấn thường xuyên có những báo cáo về thực tế vận hành mô hình này để từ đó đưa ra các đề xuất, khuyến nghị lên Chính phủ để có những chính sách phù hợp. Song vấn đề trọng tâm ở đây là sự phối hợp giữa chính quyền và các doanh nghiệp để đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ.
Theo tôi, sự hiểu biết thấu đáo về mô hình này cùng giải quyết những vướng mắc liên quan tới khuôn khổ luật pháp, nguồn lực, công nghệ, thị trường… sẽ là chìa khóa quan trọng để mở ra cánh cửa kinh tế tuần hoàn.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng sự phát triển kinh tế tuần hoàn ở Đan Mạch đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, Chính phủ phải có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện và cho phép các công ty cam kết phát triển tuần hoàn như một phần cốt lõi của hoạt động kinh doanh. Đây sẽ là một chiến lược kinh doanh tốt cho doanh nghiệp phát triển.
Chẳng hạn, ở Đan Mạch, chúng tôi đã thành lập thành phố tuần hoàn - một sáng kiến được đưa ra vào năm 2017 - nhằm hướng tới xây dựng một đô thị phát triển bền vững vì cộng đồng.
Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đã phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) xây dựng báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam”. Với những khuyến nghị được đưa ra trong báo cáo, theo ông, điều gì quan trọng với Việt Nam lúc này và cần phải thực hiện ngay?
Có rất nhiều khuyến nghị được đưa ra trong báo cáo và sẽ rất tốt nếu Việt Nam có thể áp dụng được các khuyến nghị này. Song trước mắt, theo tôi, có hai vấn đề lớn cần phải được quan tâm lúc này.
Thứ nhất là nâng cao nhận thức về sự cần thiết của kinh tế tuần hoàn; để từ đó thu hút sự tham gia của toàn bộ xã hội từ cơ quan công quyền cấp trung ương tới địa phương, các doanh nghiệp và người dân, các tổ chức xã hội dân sự và các cơ quan nghiên cứu… Mọi người cần cảm nhận rằng họ có quyền và vai trò trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
Thứ hai là điều chỉnh và phát triển các khuôn khổ luật pháp, các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, điều quan trọng nhất là phá bỏ được các rào cản cản trở sự tham gia của các doanh nghiệp - động lực chính thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Một môi trường kinh doanh hấp dẫn sẽ thu hút các doanh nghiệp có nguồn lực và tiềm lực tham gia quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam.
Như ông chia sẻ, điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức để mọi người đều tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Đan Mạch đã làm những gì để thực hiện điều này?
Ở Đan Mạch, chúng tôi đã truyền cảm hứng tới mọi người để tạo ra động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh. Chúng tôi nói với mọi người về cách cộng đồng doanh nghiệp Đan Mạch đóng góp vào quá trình này như thế nào.
Đan Mạch đã xây dựng trang web chuyên biệt về kinh tế tuần hoàn để kết nối các thành viên nhằm tạo ra mạng lưới rộng lưới các doanh nghiệp tham gia vào quá trình này. Ngoài ra còn xuất bản Sách Trắng để cung cấp thông tin doanh nghiệp, các quỹ hỗ trợ và đặc biệt là việc xây dựng bộ công cụ để theo dõi tiến trình và mức độ hiệu quả của việc thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Đan Mạch.
Tôi nghĩ rằng đây sẽ là những kinh nghiệm tốt, những nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh gắn với phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Đan Mạch chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam về những kinh nghiệm này.
Điều quan trọng mà tôi muốn nhắc tới lần này là vào tháng 4/2023 sẽ có diễn đàn kinh tế quan trọng tại khu vực Bắc Âu về quản lý chất thải và tài nguyên. Đây là diễn đàn hàng đầu tại Bắc Âu về vấn đề này và đây cũng là cơ hội tốt để tạo ra các nguồn cảm hứng về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.